Những ngày gần đây, cái tên Phở Thìn 13 Lò Đúc gây chú ý sau khi truyền thông đưa tin ông Đoàn Hải Trung (sinh năm 2001) là “truyền nhân” của ông Nguyễn Trọng Thìn – người tạo nên tên tuổi của Phở Thìn Lò Đúc dù không phải con ruột. Tuy nhiên, ông Thìn sau đó khẳng định chưa bao giờ đồng ý góp vốn thành lập công ty cùng ông Trung.
Sự việc dẫn đến những cuộc tranh luận về vấn đề đăng ký nhãn hiệu và nhượng quyền kinh doanh. Thương hiệu “Phở Thìn” đã được đăng ký nhãn hiệu bởi ông Bùi Chí Đạt là con trai ông Bùi Chí Thìn – người sáng lập Phở Thìn Bờ Hồ, còn thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn trong tình trạng chờ giải quyết.
Đến nay, theo lời ông Thìn, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn chưa triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh, mà các quán được mở dưới sự cho phép của ông.
Nhìn lại chuỗi phở đầu tiên của Việt Nam: Số cửa hàng từng lên tới 70, kinh doanh bài bản theo mô hình nhượng quyền
20 năm trước, doanh nhân Lý Quí Trung trở thành người đầu tiên đưa phở Việt từ quán truyền thống vào phòng máy lạnh với thương hiệu Phở 24. Ông cũng là một trong những người tiên phong làm mô hình nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
“Chỉ có mô hình tiệm phở theo phong cách hiện đại mới có thể chuyển giao công nghệ dễ dàng và phù hợp để giới thiệu ra thế giới”, ông Trung cho thấy tầm nhìn trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2014. Ông mơ ước các tiệm phở của mình có mặt khắp nơi trên thế giới, điều mà sau này phần nào đã trở thành hiện thực.
Cửa hàng Phở 24 đầu tiên được khai trương vào tháng 4/2003 tại số 5 Nguyễn Thiệp, đối diện khách sạn 5 sao Sheraton ở TP HCM. Trong năm đầu tiên, chuỗi đã mở rộng ra 4 tiệm, đều nằm trong khu vực trung tâm quận 1, lúc nào cũng đông khách. Qua năm thứ 2, thêm 10 tiệm nữa xuất hiện.
Sau hơn 3 năm đầu tiên, hệ thống đã đạt con số 40 tiệm. Thị trường nước ngoài cũng khởi sắc với các tiệm Phở 24 nhượng quyền nối tiếp nhau khai trương tại các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Hàn Quốc, Australia…
Sau 10 năm hoạt động, Phở 24 có mặt tại nhiều thành phố lớn trong và ngoài nước, bao gồm cả Tokyo hay Sydney như mong ước thuở ban đầu của ông Trung. Đã có lúc tổng số cửa hàng cả trong và ngoài nước vượt qua con số 70.
Để đề phòng rủi ro, ông Trung cẩn thận đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu và biểu tượng Phở 24 tại Việt Nam và các nước trên thế giới. "Chúng tôi quan tâm đến vấn đề bản quyền kể cả đối với những chi tiết nhỏ nhặt nhất như bàn ghế, cách bày trí nhà hàng, cách trình bày thức ăn, quy trình nấu phở... Tất cả đều được đăng ký sở hữu bản quyền", ông trả lời VnExpress hồi năm 2005.
Tuy nhiên, ngay khi việc mở chuỗi đang thuận lợi, ông Trung “như ngồi trên đống lửa” vì lợi nhuận kiếm được từ các tiệm đang hoạt động không đủ nhanh so với kế hoạch mở rộng “chân rết”. Ông bắt đầu thiếu vốn nhưng vẫn cố gắng xoay xở
Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital xuất hiện vừa đúng lúc. Ngày 28/8/2006, Phở 24 ký hợp đồng hợp tác chiến lược với VinaCapital. Tất cả vì một kế hoạch lớn của ông Trung: đưa Phở 24 trở thành chuỗi nhà hàng đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Những trục trặc trong mô hình nhượng quyền và cuộc bán mình cho Việt Thái International
Với nguồn tài chính thong thả hơn nhờ bắt tay với VinaCapital, ông Trung dồn sức nhân rộng mô hình kinh doanh đến bất kể nơi nào thị trường được cho là đã sẵn sàng. Tuy nhiên, việc bành trướng hệ thống lại đi kèm thử thách to lớn là làm sao giữ được chất lượng đồng bộ.
“Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chắc chắn phải được đưa lên hàng đầu. Mỗi cọng rau cọng giá phải được chọn lọc và rửa cẩn thận”, ông Trung tâm niệm từ những ngày đầu mở cửa hàng. Điều Phở 24 hướng đến là sự tiện nghi, tính đồng bộ, thay vì trông chờ tất cả thực khách khen ngon.
Tuy nhiên, các vấn đề về nhân sự và kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn phát sinh. Từng có cửa hàng nhượng quyền tiết giảm chi phí bằng cách giảm số lượng thịt trong tô phở, tắt máy lạnh… khiến khách hàng phàn nàn. Ông Trung nhận ra rằng “chừng nào mô hình kinh doanh còn lệ thuộc vào yếu tố con người, việc kiểm soát này khó thể nào đạt đến mức hoàn hảo”.
Sau 10 năm hoạt động, Phở 24 còn cần nâng cấp toàn bộ hệ thống cửa hàng. Hình ảnh thương hiệu cũng cần được làm mới trong mắt người tiêu dùng, trong khi chi phí quảng cáo quá đắt đỏ mà chưa dám chắc về hiệu quả kinh tế.
Tháng 1/2011, ông Trung gặp gỡ đối tác tiềm năng để bàn chuyện hợp tác hay mua bán cổ phần, nhằm huy động thêm vốn. Tuy nhiên, điều khiến ông suy nghĩ là làm sao vừa có thêm vốn, vừa có thể kiểm soát được quyền điều hành công ty.
“Tôi thấy mình chỉ còn hai sự lựa chọn duy nhất, đó là không bán cổ phần nữa hoặc nếu bán thì phải bán hết 100%”, ông viết trong tự truyện. “Tôi xem Phở 24 như một phần của mình, như đứa con mình đẻ ra. Nhưng tôi cũng ý thức rất rõ ngay từ đầu rằng mình không thể giữ nó mãi mãi mà muốn nó trưởng thành, lớn mạnh trong vòng tay của xã hội”.
Ngày 11/11/2011, ông Trung đặt bút ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho CTCP Việt Thái International (VTI), đơn vị sở hữu thương hiệu Highlands Coffee, với giá 20 triệu USD.
Sau khi về tay VTI một thời gian, tình hình kinh doanh của Phở 24 dường như khả quan. Tháng 12/2012, trong một buổi lễ khai trương cửa hàng, Chủ tịch VTI David Thái tuyên bố mục tiêu của Phở 24 là đạt 1.000 cửa hàng trong tương lai. Tuy nhiên, không lâu sau, VTI lại bán 50% cổ phần Phở 24 cho Tập đoàn Jollibee của Philippines với giá 25 triệu USD.
Tới nay, theo thông tin trên website của Phở 24, chuỗi nhà hàng từng đình đám một thời này chỉ còn 14 tiệm, trong đó có 13 tiệm ở TP HCM và 1 tiệm ở sân bay Đà Nẵng.
Về tình hình kinh doanh, bất chấp doanh thu tăng mạnh 48% trong năm 2019, đạt 120 tỷ đồng, Phở 24 vẫn lỗ 33 tỷ đồng. Trong những năm trước đó, Phở 24 duy trì doanh thu từ 70 – 80 tỷ đồng mỗi năm, lỗ ròng 20 – 30 tỷ đồng. Việc thua lỗ đã khiến công ty âm vốn chủ tới 178 tỷ đồng năm 2019.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Phở 24 đã thất bại, nhưng đây vẫn được đánh giá là thương hiệu tiên phong, truyền cảm hứng xây dựng những chuỗi nhà hàng Việt vượt ra khỏi quy mô hộ gia đình.