Trong phiên giao dịch 22/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu mua kỳ hạn giấy tờ có giá 28 ngày. Tuy nhiên, không có thành viên nào tham gia đấu thầu; qua đó đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp NHNN "ế vốn" trên thị trường mở (OMO).
Kể từ giữa tuần trước, sau khi giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng tăng cấp kỳ hạn của các khoản cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lên 28 ngày với lãi suất giảm từ 6% xuống còn 5,5%.
Dù được vay dài hạn hơn với lãi suất rẻ hơn nhưng trong 3 phiên 15/3, 16/3 và 20/3 chỉ có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên với khối lượng nhỏ. Thậm chí, phiên 17/3, 21/3 và 22/3 không có ngân hàng nào cần hỗ trợ thanh khoản từ NHNN qua kênh OMO.
Việc các ngân hàng không mặn mà với kênh cho vay của NHNN cũng dễ hiểu khi lãi suất chào thầu OMO dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn so với lãi suất VND liên ngân hàng. Hay nói cách khác, các ngân hàng đang ưu tiên vay mượn lẫn nhau để bù đắp thanh khoản thay vì tìm đến NHNN bởi chi phí vốn thấp nhiều.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% giá trị giao dịch) trong phiên 21/3 đã giảm về còn 2,05% từ mức 2,7% vào ngày 20/3. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất kể từ trung tuần tháng 8/2022 và tương đương giai đoạn "tiền rẻ" duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.
Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm mạnh xuống còn lần lượt 2,61%/năm, 3,37%/năm và 4,76%/năm.
So với mức cao điểm hồi đầu tháng 3, lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống đã giảm 3,3 – 4,4 điểm % . Điều này đồng nghĩa các ngân hàng đang vay mượn lẫn nhau với chi phí chỉ bằng 1/2, 1/3 so với hồi đầu tháng.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước.
Ngoài sự hỗ trợ chính sách của NHNN, thanh khoản hệ thống dồi dào hơn cũng nhờ nhu cầu tín dụng còn thấp . Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24/2 mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.