Nội dung chính:
- Fed vừa công bố tăng 0,25 điểm % lãi suất, qua đó nâng mức trần lãi suất lên 4,75-5%.
- Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang “ngược chiều Fed” khi quyết định giảm lãi suất vào giữa tháng 3.
- Để tăng trưởng kinh tế, Việt Nam chọn phương án hạ lãi suất điều hành, chấp nhận đánh đổi tỷ giá.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố tăng 0,25 điểm % lãi suất, qua đó nâng mức trần lãi suất lên 4,75-5% - mức cao nhất kể từ năm 2007.
Thông thường, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên lãi suất liên ngân hàng tại Việt Nam và tạo áp lực lên tỷ giá, qua đó tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, việc Fed tăng lãi suất lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam trong ngắn hạn bởi cơ quan điều hành của Việt Nam đang sử dụng các chính sách tiền tệ linh hoạt, không phụ thuộc vào động thái của Fed.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam độc lập với động thái của Fed
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phản ứng linh hoạt với những biến cố trên thị trường và không phụ thuộc vào Fed. Bằng chứng được ông Tuấn dẫn ra là việc NHNN hạ lãi suất điều hành hôm 15/3 trong bối cảnh Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên mức 4,5-4,75% hồi cuối tháng 2.
Việc lựa chọn một chính sách tiền tệ độc lập, đặc biệt là độc lập với Mỹ, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, cho thấy Việt Nam đang chấp nhận hy sinh yếu tố kiểm soát tỷ giá.
Có 3 yếu tố quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ mà gần như không nhà điều hành nào có thể đạt được cùng lúc cả 3 (bộ ba bất khả thi), đó là kiểm soát tỷ giá hối đoái, độc lập về chính sách tiền tệ và có dòng vốn tự do lưu thông.
“Ngay khi Fed tăng lãi suất, NHNN đã hạ lãi suất điều hành, tức chúng ta đã chọn độc lập về chính sách tiền tệ, không phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Mỹ. Luồng vốn ra vào Việt Nam, theo tôi, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận đánh đổi tỷ giá”, ông Tuấn phân tích.
CEO AFA Capital cũng cho rằng mục tiêu cuối cùng của các chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, mục tiêu về lạm phát năm nay của Việt Nam là 4,5% - tỷ lệ có khả năng kiểm soát được khi hàng hóa và dịch vụ ăn uống; giá xăng; giá thép đều đang thấp hơn năm 2022.
Khi chính sách tiền tệ không còn tập trung vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng thông qua việc hạ lãi suất, cơ quan điều hành đang hướng mục tiêu vào tăng trưởng kinh tế.
Việc chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm từ đầu năm; kinh tế thế giới khủng hoảng và suy thoái đang ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thêm vào đó, lãi suất trong nước dù giảm vẫn đang ở mức cao, khiến người dân và doanh nghiệp không dám tiếp cận vốn vay đồng thời làm gia tăng nợ xấu.
“Để hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, tôi vẫn kỳ vọng có thêm một đợt điều chỉnh lãi suất điều hành trong năm nay”, chuyên gia AFA Capital nói.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, các quyết định về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng và hỗ trợ cho nền kinh tế thực. Đối với thị trường chứng khoán, lãi suất giảm sẽ giúp dòng vốn dồi dào hơn và lãi vay rẻ hơn.
Tuy nhiên, với P/E hiện tại của thị trường chứng khoán thì lợi suất đầu tư chỉ vào khoảng 9%. Nếu so sánh giữa lợi suất 9%, có thể sẽ giảm của chứng khoán và lãi suất 9% cố định của ngân hàng, nguồn lực của xã hội sẽ dồn vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được đưa ra tại chương trình Đi theo dòng tiền: Ngược chiều Fed “thổi”. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.