Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phục vụ thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank). Hiện các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng nói trên theo trình tự, thủ tục quy định.
Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, NHNN cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan quản lý cho biết đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.
"Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB", báo cáo nêu.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị NHNN chỉ đạo khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là Ngân hàng SCB và lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.
Về xử lý nợ xấu, theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%. Song cuối tháng 2 đã tăng lên 2,91%, tăng 0,91% so với cuối 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).
Mặc dù theo báo cáo của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 3%, nhưng Ngân hàng Nhà nước qua rà soát cho rằng một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.
Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.