Cú đảo chiều ngoạn mục trong phiên giao dịch hôm nay của Vn-Index như một cơn mưa rào tưới mát tâm hồn nhà đầu tư chứng khoán sau hai tháng nắng hạn, giảm mạnh như thảm sát với mặt bằng chung cổ phiếu giảm tới 60-70%. Chênh lệch chỉ số trong phiên lên đến 66 điểm với mức giảm mạnh nhất đầu phiên xuống còn 874 điểm sau đó nhờ dòng tiền đổ mạnh vào gấp đôi so với thời điểm hôm qua đã khiến chỉ số có lúc đạt 939 điểm.
Hàng trăm cổ phiếu giảm sàn hôm qua nay đảo chiều tăng mạnh mẽ, với ít nhất 131 cổ phiếu kịch trần, 365 mã xanh/49 mã giảm. Nhóm thép đồng loạt tăng hết biên độ như HPG, HSG, NKG. Nhóm chứng khoán có SSI, VN, HCM, SHS, MBS. Một số ngân hàng cũng kịch trần như ACB, SHB, STB, MBB.
Sự đảo chiều của thị trường có thể xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, về mặt định giá, với mức sụt giảm của thị trường trong vòng một tháng qua, thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn để tích lũy. P/E trung bình của các thị trường ASEAN giảm xuống 13,8 lần từ 14,3 lần của tháng trước, trong khi VN-Index giảm sâu hơn từ 12,2 xuống 10,7 đưa định giá về mức hấp dẫn hơn so với các thị trường ngang hàng và đem đến mức giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt.
Trong khi đó, áp lực giải chấp đã giảm đáng kể khi suốt hai tuần vừa qua các công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu đã giảm 70-80% rơi về vùng rẻ để tích lũy.
Một lượng tiền nằm ngoài thị trường đã được kích hoạt vào phiên sáng nay, thanh khoản cải thiện đáng kể, kết phiên sáng tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết đạt 8.643 tỷ đồng, tăng 93% so với sáng hôm qua. Giao dịch tại HoSE đạt 7.855 tỷ đồng, tăng 95%, VN30 tăng 59%.
Thứ hai, khối ngoại gom ròng liên tục trong thời gian thị trường bục đáy. Phiên giao dịch sáng nay, khối ngoại gom ròng gần 400 tỷ đồng. Trong 7 phiên giao dịch gần đây, nhóm này đã mua ròng 7.000 tỷ đồng, cân toàn bộ giá trị nhà đầu tư cá nhân trong nước bán tháo.
Dòng vốn của khối ngoại là một số chỉ tiêu cho thấy quá trình hình thành đáy của Vn-Index. Thống kê trong 5 đợt thị trường giảm giá cho thấy, sau 1 tháng kể từ khi đáy hình thành thì dòng tiền có xu hướng rút ròng và sau 3 tháng trở đi dòng tiền quay trở lại mua ròng. Cụ thể, đợt 2 19/10/2009 - 2/01/2012 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 102,2 tỷ đồng nhưng sau đó 3 tháng quay lại mua ròng 11,73 tỷ đồng. Đợt gần đây nhất là 20/1/2020 - 30/3/2020, nhóm này bán ròng 311 tỷ đồng trong một tháng sau đó 3 tháng sau mua ròng trở lại 123 tỷ đồng. Nếu chiểu theo diễn biễn trong quá khứ thì nhiều khả năng đây đã là vùng đáy của VN-Index.
Thứ ba, nhà đầu tư tổ chức cũng liên tục gom ròng trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan, nội bộ ồ ạt đăng ký mua vào cổ phiếu trong bối cảnh thị giá giảm sâu. Giá trị đăng ký mua vào ước tính hơn 1.000 tỷ đồng thống kê trong tuần gần đây. Thông tin này cũng khiến tâm lý nhà đầu tư bớt tiêu cực hơn.
Thứ tư, chứng khoán toàn cầu bật tăng mạnh trong suốt tháng vừa qua. Trong vòng một tháng qua, chỉ số S&P 500 tăng 8%; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 7,3%; Sensex của Ấn Độ tăng 5,8%; PCOMP của Philippines tăng 7,2%; NKY của Nhật tăng 6,1%. Các chỉ số gồm MSCI thị trường phát triển tăng 7,1%.
Phiên giao dịch hôm qua, lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 56,22 điểm, tương đương tăng 0,71%, đạt 33.592,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87%, đạt 3.991,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,45%, đạt 11.358,41 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam giảm 9,2% trong tháng 10 và giảm 24,8% trong vòng 3 tháng. Chứng khoán Việt Nam thường có độ trễ do đó việc bật tăng trở lại thời điểm này có thể là hợp lý nếu xét trong tương quan so với toàn cầu.
Chia sẻ tại tọa đàm “Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp và cơ hội cho thị trường đầu tư” chiều 15/11 do VnDirect tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) nêu quan điểm, thị trường tài sản buộc phải giải cứu.
“Một đề án đang được chúng tôi làm khẩn trương, từng ngày, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Mục tiêu là để thị trường đỡ căng thẳng sau đó xử lý dần”, ông Nghĩa cho biết. Thị trường cũng kỳ vọng những thông tin này sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong thời điểm hiện tại trước khi cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp cụ thể, kịp thời.
Để giải quyết tình trạng thiếu vốn cho các doanh nghiệp hiện nay, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất các giải pháp: Sử dụng 300.000 tỷ đồng ngân sách gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để cho vay ra, có thể ngắn hạn 1 năm. Sau này khi ngân sách cần, “big 4” không khó để huy động trả lại.
Thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, tương tự Hàn Quốc và Trung Quốc. Quỹ này được sử dụng để hỗ trợ tất cả doanh nghiệp còn có khả năng đứng vững, đồng thời có tài sản bảo lãnh, đang phát hành hoặc đã phát hành, sắp tới sẽ phát hành. Thậm chí các trái phiếu đáo hạn không có khả năng xử lý, quỹ này cũng sẽ mua lại. Mục đích của quỹ là mua lại, bảo lãnh hoặc tái bảo lãnh.
Kéo dài Điều 8 của Nghị định 65 quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp thêm 1 năm, để các nhà đầu tư không chuyên nghiệp vẫn có khả năng tiếp tục đầu tư bình thường.
Tuyệt đối không hình sự, để cho tài sản nằm ở dân sự mới có thể bán, xử lý, khất nợ; cho phép doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ như ngân hàng thương mại. Họ cần lập đề án, gửi các bên liên quan, đưa ra kế hoạch tái cấu trúc lại, từ đó có thể giải quyết dần dần. “Với các giải pháp này, có thể dần dần giải quyết dứt điểm các vấn đề về trái phiếu”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.