Lựa chọn tốt nhất của Ấn Độ
Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, nhập khẩu 85% nhu cầu trong nước. Trước đây, Trung Đông là nhà cung cấp truyền thống của Ấn Độ, nhưng hiện nay Nga đã chiếm vị trí đầu tiên. Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng chính của Moscow.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ấn Độ đã nhập khẩu lượng dầu cao kỷ lục từ Nga trong tháng 3/2023, với 1,62 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 40% lượng nhập khẩu so với mức 70.000 thùng/ngày, tương đương 1% trước chiến tranh.
Ấn Độ đã tiết kiệm được 3,6 tỷ USD nhờ nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga trong 10 tháng qua kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, một nhà lập pháp Ấn Độ cho biết vào tháng 12 năm ngoái.
"Là nước tiêu thụ dầu khí lớn thứ 3 thế giới, một quốc gia có mức thu nhập không cao, chúng tôi có nghĩa vụ cơ bản đảm bảo rằng người dân Ấn Độ có quyền tiếp cận tốt nhất có thể theo các điều kiện thuận lợi nhất của thị trường quốc tế”, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho biết tại Moscow vào tháng 11 năm ngoái.
Dầu Ấn Độ 'chạy' khắp châu Âu
Phần lớn dầu tinh chế ở Ấn Độ dành cho thị trường nội địa, nhưng dầu giá rẻ của Nga đã giúp gã khổng lồ châu Á này trở thành nhà cung cấp xăng và dầu diesel chính cho các nước phương Tây, dẫn đầu là châu Âu.
“Việc Ấn Độ nhập quá nhiều thùng dầu của Nga, điều đó là không thể tránh khỏi”, Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu của công ty Kpler cho biết.
Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023, tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11,6 triệu tấn, theo nhật báo Indian Express, họ cho rằng các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ được hưởng lợi từ “biên lợi nhuận cao”.
Việc các quốc gia châu Á như Ấn Độ nhập khẩu dầu thô của Nga là “con dao hai lưỡi” đối với EU. Một mặt, “lục địa già” cần các nguồn dầu diesel thay thế khi khối này đã cắt đứt dòng chảy trực tiếp từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu trước đây của khối này. Tuy nhiên, cuối cùng chính châu Âu lại làm tăng nhu cầu đối với các thùng dầu của Moscow, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí vận chuyển.
Từ đó, những nhà máy lọc dầu của Châu Âu, những người không thể tiếp cận dầu thô giá rẻ của Nga sẽ mất đi ưu thế và khó cạnh tranh.
Khó “sống nếu thiếu dầu Nga”
Hành động của Ấn Độ cũng giúp EU tránh được các vấn đề về nguồn cung khi người tiêu dùng đang phải gánh chịu lạm phát.
“Thế giới sẽ rất khó sống nếu không có dầu mỏ của Nga”, nhà kinh tế trưởng David Wech tại Vortexa nói với AFP, đồng thời tin rằng điều này sẽ dẫn đến một “cuộc suy thoái sâu sắc”.
Bất chấp vai trò của Ấn Độ, lợi ích xuất khẩu của Nga bị giảm đáng kể do những chi phí phát sinh và những khó khăn về hậu cần liên quan đến việc vận chuyển dầu thô bằng tàu chở dầu sang bên kia địa cầu.