VN-Index bốc hơi hơn 9 điểm sáng nay dưới sức ép rất lớn từ nhiều cổ phiếu trụ lớn trong nhóm ngân hàng và “họ cổ phiếu Vin”. VHM, VIC, VCB và TCB đang là những mã chiếm hai phần ba mức giảm của chỉ số.
Những thông tin đồn thổi đã được cơ quan chức năng khẳng định là không chính xác, nhưng phản ứng trên thị trường chứng khoán vẫn khá tiêu cực. Cả 3 cổ phiếu quan trọng nhất của nhóm cổ phiếu “Vin” đều giảm mạnh: VHM giảm 3,44%, VIC giảm 3% và VRE giảm 2,96%.
Cả ba cổ phiếu này đều có diễn biến khá tiêu cực trong ngắn hạn: VRE tuần trước giảm 5,8%, VHM lao dốc liên tục từ đầu tháng 6 mất gần 16%, VIC cũng giảm trong thời gian đó gần 15%. Tuy nhiên cả 3 mã cũng đã điều chỉnh xuống sát ngưỡng hỗ trợ, với VHM là đáy tháng 4 vừa qua, với VRE là đáy tháng 5, còn VIC đang gần sát đáy tháng 3/2020.
Mặc dù giá giảm mạnh nhưng thanh khoản của nhóm này cũng không mạnh. VIC giá cũng đã hồi lại 2,88% so với đáy, VHM hồi khoảng 0,51% và VRE là 0,77%.
Cùng với các mã nói trên, trụ ngân hàng sáng nay kém: VCB giảm 1,48%, TCB giảm 3,06%, BID giảm 1,44%, CTG giảm 0,77%. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng, duy nhất OCB tăng 2,12%, 4 mã ngân hàng nhỏ khác tham chiếu, còn lại toàn giảm. Tới 14 cổ phiếu nhóm này đang giảm trên 1%.
Cả 4 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index đều giảm rất sâu khiến chỉ số này mất hơn 6 điểm trong tổng giảm 9,04 điểm. VN-Index chốt phiên sáng dưới tham chiếu 0,77%, VN30 giảm 1,17%, phản ánh chính xác sức ép từ các mã ngân hàng. VN30 cũng có 7 mã tăng giá nhưng 4 mã mạnh nhất lại chỉ là trụ của VN-Index. Đó là VNM tăng 1,92%, PLX tăng 1,65%, GAS tăng 1,15%, GVR tăng 0,71%.
Cổ phiếu dầu khí sáng nay khá tốt dù vẫn còn vài mã giảm. ViệcNga bắt đầu bảo dưỡng đường ống khí đốt sang châu Âu đang khiến giá khí thiên nhiên trên thị trường quốc tế tăng mạnh gần 5%. PVD hiện cũng đang tăng 2,26%, PVS tăng 1,76% trong khi BSR giảm 2,98%.
Nhìn chung thị trường đang phân hóa rất mạnh và ngay cả những nhóm cổ phiếu khỏe nhất thì cũng có mã giảm. Nhóm hóa chất, dầu khí, chứng khoán, bất động sản là tiêu biểu. Độ rộng chung của HoSE chỉ là 163 mã tăng/265 mã giảm.
Điểm tích cực là thị trường đang nhận khá rõ yếu tố ép trụ trong trạng thái chỉ số mất điểm. Do đó các cổ phiếu vẫn đang nỗ lực tự cân bằng mà không phụ thuộc nhiều vào diễn biến ở chỉ số. Độ rộng hẹp nhất lúc VN-Index tạo đáy sâu nhất khoảng 10h32 cũng chỉ là 126 mã tăng/290 mã giảm. Càng về cuối phiên sáng số lượng cổ phiếu phục hồi càng nhiều hơn. Trong 360 cổ phiếu có giao dịch tại HoSE sáng nay thì 260 mã tạm thời thoát đáy, với 150 mã đang chốt cao hơn đáy từ 1% trở lên.
Trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng, các trụ ép điểm số giảm khá mạnh, thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì mức thấp. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ đạt 5.592 tỷ đồng, giảm 12% so với sáng phiên trước. Riêng HoSE giao dịch khoảng 5.022 tỷ đồng. Dòng tiền vẫn đang tập trung vào các cổ phiếu khác nhau và nhiều mã thu hút được sức mua tốt giá vẫn đang có tiến triển. Chẳng hạn HoSE có 12 mã khớp lệnh trên 100 tỷ đồng sáng nay thì vẫn có 5 mã tăng, với Top 5 toàn thị trường là SSI, DIG, HAG, STB và DBC thì duy nhất STB giảm giá.
Khối ngoại cũng đang giao dịch nhỏ và cân bằng. Tổng giá trị bán ra là 242 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 4% tổng giao dịch của HoSE. Mua vào là 303,3 tỷ đồng, tương đương mức ròng hơn 61 tỷ. VNM được mua tốt nahát với 33,8 tỷ ròng, PNJ gần 25 tỷ. Còn lại chỉ có HPG, FPT, VIB là trên 10 tỷ ròng. Phía bán ra có SSI -18,3 tỷ, DPM -15,7 tỷ và HCM -13 tỷ là đáng kể nhất.