Trong Niên giám thống kê 2022 mới được Tổng cục Thống kê công bố vào 30/6 vừa qua, thông tin về thu nhập bình quân phân chia theo nghề nghiệp được đông đảo mọi người chú ý.
Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, cũng như yếu tố thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán... đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Tuy vậy, trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.
Đặc biệt, khi thống kê thu nhập bình quân một lao động đang làm việc phân theo nghề nghiệp, nhóm Nhà lãnh đạo (Leaders/managers) gây chú ý khi xếp hạng cao nhất trong bảng.
Trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2022, thu nhập bình quân có xu hướng tăng trưởng rõ rệt, từ 12,6 triệu VNĐ lên tới 14,8 triệu VNĐ.
Từ biểu đồ có thể thấy, tuy vẫn tuân theo xu hướng tăng trưởng sau 5 năm, nhưng giữa các năm vẫn có sự biến động về thu nhập theo cả 2 chiều: tăng và giảm. Cụ thể, sau một đợt tăng trưởng mạnh vào năm 2019, đến giai đoạn 2020 và 2021, thu nhập của những nhà lãnh đạo đã giảm trở lại, chỉ xấp xỉ 13 triệu VNĐ. Tới năm 2022 vừa qua, thu nhập bình quân mới có sự bứt phá, ghi dấu ấn ở mức cao nhất trong 5 năm liên tục.
Đây là tình hình chung với mọi nhóm nghề nghiệp khác khi 2020 - 2021 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gây tác động nặng nề tới cả kinh tế xã hội và đời sống mỗi cá nhân. Các doanh nghiệp không chỉ phải thực hiện giãn cách xã hội, mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều trong các hoạt động giao thương, đối nội đối ngoại.
Tuy vậy, sự tăng trưởng thu nhập bình quân trong năm 2022 vừa qua là tín hiệu tích cực, cho thấy kinh tế xã hội đang ngày một ổn định trở lại. Có như vậy, thị trường lao động mới dần hồi phục, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho mọi người hơn.
Nhìn chung, đây vẫn là nhóm nghề có sức hút, với mức thu nhập hấp dẫn. Theo CareerBuilder.vn, trên thị trường vẫn có nhiều vị trí Leaders/Managers đang được tuyển dụng. Mức lương trung bình thậm chí lên tới 39,8 triệu VNĐ/tháng.
Nhóm Nhà lãnh đạo làm công việc gì?
Theo dữ liệu tổng hợp từ các mẫu việc làm đăng tuyển tại CareerBuilder.vn, mô tả cho vị trí Quản lý, lãnh đạo thường yêu cầu: Quản lý nhân viên, vạch kế hoạch và đánh giá các hoạt động của bộ phận, hoàn tất những mục tiêu của bộ phận đương nhiệm.
Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:
• Duy trì hệ thống nhân viên: tuyển dụng, hướng nghiệp và đào tạo nhân viên; duy trì một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và hợp pháp; có cơ hội phát triển cá nhân.
• Hoàn thành các kết quả về nhân sự: quảng bá cơ hội làm việc; lập kế hoạch, quản lý và đánh giá kết quả làm việc; tư vấn và huấn luyện kỷ luật cho nhân viên; củng cố, hợp tác và phát triển các chuẩn mực về hệ thống, chính sách, quy trình và năng suất làm việc.
• Thiết lập mục tiêu chiến lược: tập hợp thông tin thích đáng về kinh doanh, tài chính, dịch vụ và hoạt động kinh doanh; nhận diện và đánh giá các khuynh hướng; lựa chọn hành động thích hợp; đánh giá kết quả tác động.
• Hoàn tất các mục tiêu tài chính: dự toán các yêu cầu; chuẩn bị ngân sách hàng năm; lên lịch chi tiêu, phân tích biến động thị trường; thực hiện các hành động chấn chỉnh.
• Duy trì dịch vụ chất lượng: củng cố các chuẩn mực về chất lượng và chăm sóc khách hàng; phân tích và giải quyết các vấn đề về chất lượng và dịch vụ; nhận diện các khuynh hướng và đề xuất những biện pháp cải tiến hệ thống.
• Duy trì kiến thức về chuyên môn và kỹ thuật: tham dự các hội thảo chuyên môn, tham khảo tài liệu chuyên môn, thực hiện định giá cạnh tranh, tham dự các cộng đồng chuyên môn.
• Đóng góp cho nỗ lực của toàn đội: hoàn thành các kết quả liên quan khi được yêu cầu.
Kỹ năng cần có để trở thành người lãnh đạo giỏi Tập trung mục tiêu, chỉ đạo công việc
Xác định mục tiêu để đặt ra định hướng cho đội ngũ một cách hiệu quả. Nghĩa là họ cần có kỹ năng tổ chức tốt, bao gồm khả năng quản lý lịch trình, chia chiến lược thành các mục tiêu nhỏ hơn, làm việc theo cách nhất quán, tiến bộ nhằm đạt được mục tiêu lớn hơn.
Kỹ năng phân chia và chỉ đạo công việc là vô cùng cần thiết trong việc tinh giản quy trình và đảm bảo một số đội ngũ đạt được mục tiêu lớn theo cách hiệu quả, giúp mọi việc được thực hiện đúng giờ, theo đúng tiêu chuẩn.
Quản lý quy trình
Nhận ra các cách để cải thiện quy trình kinh doanh từ bước đầu cho đến khi kết thúc. Họ có thể phân tích, giám sát và liên tục tối ưu hóa để tạo ra cách làm việc hiệu quả hơn.
Khả năng quản lý con người
Một phần quan trọng trong công việc quản lý, lãnh đạo là tổ chức và truyền đạt các thông tin quan trọng, nhận biết khi nào mọi người cần thêm sự hỗ trợ và cung cấp cho họ công cụ để làm việc hiệu quả.
Khả năng kiến tạo tầm nhìn chiến lược và truyền cảm hứng
Dấu hiệu đầu tiên của nhà lãnh đạo giỏi là khả năng tạo ra một tầm nhìn rõ ràng, mang tính chiến lược về tương lai để mọi người muốn làm theo đó. Tầm nhìn này có thể đến từ khả năng tư duy đổi mới nhưng phải bắt nguồn từ loạt giá trị rõ ràng thì đội ngũ lớn hơn mới có thể tiếp cận được.
Sau đó, họ phải có kỹ năng khuyến khích mọi người ủng hộ tầm nhìn ấy. Để thực hiện, nhà lãnh đạo cho mọi người thấy rõ vai trò của họ trong bức tranh toàn cảnh.
*Nguồn: TCTK, CareerBuilder.vn…