Theo Wall Street Journal, theo báo cáo mới của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ), ngành công nghiệp dầu sẽ cần đầu tư tổng cộng 12.100 tỷ USD tính tới năm 2045. Con số này nhiều hơn 300 tỷ USD so với dự kiến vào năm ngoái, nhằm đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng thế giới.
Báo cáo chỉ ra nhu cầu sẽ cao hơn dự kiến trong những năm tới và duy trì đà tăng trong suốt hai thập kỷ. Nguyên nhân là nền kinh tế và dân số ở các nước đang phát triển bùng nổ.
Tính đến 10h45 ngày 2/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã tăng 1,04% so với một ngày trước đó lên 95,6 USD/thùng. Còn dầu WTI tăng giá 1,26%, tiến sát ngưỡng 90 USD/thùng.
Nhu cầu bùng nổ
OPEC cảnh báo việc đầu tư vào dầu đang không được coi trọng. Theo nhóm này, tình trạng "thiếu hụt đầu tư kinh niên" sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng toàn cầu.
Nhóm dự báo nhu cầu sẽ tăng gần 9 triệu thùng/ngày vào năm 2025 lên 105,5 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày so với dự báo được đưa ra hồi năm ngoái.
Nhu cầu giảm tốc ở Trung Quốc và việc các nước phương Tây giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch có thể khiến tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chậm lại. OPEC cho rằng kể từ giữa thập kỷ tới, tốc độ gia tăng của nhu cầu dầu sẽ bắt đầu lao dốc.
Tuy nhiên, OPEC tin rằng tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn dự báo trong những năm tới. Đến năm 2040, nhu cầu sẽ chạm ngưỡng 110 triệu thùng/ngày, tăng so với dự báo 108,1 triệu thùng/ngày được đưa ra hồi năm ngoái.
OPEC cho rằng những lời kêu gọi ngừng đầu tư vào dầu mỏ đã xem nhẹ vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.
Tổ chức này dự báo dân số toàn cầu sẽ tăng thêm 1,6 tỷ người từ nay đến năm 2045, chủ yếu (96%) ở các nước đang phát triển. Do vậy, nhu cầu dầu của các nước giàu trong OECD năm 2045 sẽ giảm 10,7 triệu thùng/ngày, nhưng nhu cầu của những quốc gia ngoài khối lại tăng 23,6 triệu thùng mỗi ngày.
Tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu sẽ tăng lên rõ rệt. Nhưng OPEC cho rằng những nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên vẫn sẽ thống trị trong nhiều thập kỷ tới.
Tính đến năm 2045, nhiên liệu hóa thạch sẽ chiếm khoảng 70% năng lượng toàn cầu, giảm so với mức 80% hiện tại, chủ yếu do giảm sử dụng than. Đáng nói, tỷ trọng dầu và khí đốt vẫn không thay đổi.
Chia rẽ về nhiên liệu hóa thạch
OPEC cho rằng nhóm này vẫn sẽ đáp ứng phần lớn sự gia tăng trong nhu cầu. Nhóm dự báo nguồn cung dầu từ OECD không thay đổi nhiều từ nay đến năm 2045.
Tuy nhiên, nguồn cung từ các quốc gia thành viên OPEC được dự báo tăng từ 31,6 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện tại lên 42,4 triệu thùng/ngày.
Việc OPEC kêu gọi tăng cường đầu tư đã phơi bày sự chia rẽ giữa những quốc gia sản xuất dầu trên thế giới, bao gồm các thành viên OPEC và chủ yếu là những nước đang phát triển, với các quốc gia tiêu thụ dầu giàu có ở phương Tây.
Những quốc gia này đang muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đại diện cho một số quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, nhấn mạnh rằng để kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu, cần tạm dừng đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch.
Quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch sẽ giải phóng khí thải tạo ra hiệu ứng nhà kính. Hầu hết nhà khoa học đều cho rằng đó là nguyên nhân gây nên sự nóng lên toàn cầu.
Tuần trước, IEA dự báo nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu sẽ giảm đi kể từ thập kỷ tới. Bởi cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine thúc đẩy quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo.