Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường OTC đã nâng tổng nhu cầu vàng lên 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với quý I/2022.
Tại Việt Nam, từ 19,6 tấn trong quý I/2022, nhu cầu tiêu thụ vàng đã giảm đi 12%, chỉ còn 17,2 tấn. Tương tự, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng cũng có sự suy giảm, từ 14 tấn trong quý I/2022 giảm xuống 10%, còn 12,6 tấn trong quý I/2023. Trong khi đó, nhu cầu trang sức giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn trong quý I/ 2023.
Nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt giảm 12% trong quý I/2023
Giải thích cho hiện tượng trên, ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) đồng thời là Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung Ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết: Sự suy giảm nhu cầu trang sức vàng một phần do tác động từ hiệu ứng cơ số (strong base effects) - Quý I/2022 được nhìn nhận là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007. Việc mua trữ vàng trang sức trong quý I/2023 ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán, trước khi giảm dần vào tháng 2 và tháng 3 do giá vàng tăng.
Cùng với việc giá vàng gần đạt mức cao kỷ lục trung bình trong quý là 1.890 USD/lượng, diễn biến phức tạp của vàng trong quý I thể hiện rõ sự đa dạng và tính toàn cầu của nhu cầu vàng.
Các Ngân hàng Trung ương góp phần kích cầu bằng cách bổ sung 228 tấn vào các dự trữ toàn cầu, đạt mức kỷ lục trong dữ liệu thống kê quý I. Việc mua vàng liên tục với số lượng lớn từ các Cơ quan Chính phủ nhấn mạnh vai trò của vàng trong danh mục dự trữ ngoại hối trong thời gian biến động thị trường và rủi ro tăng cao.
Trong khi đó, lượng vàng trang sức toàn cầu trong quý I duy trì ở mức ổn định với 478 tấn. Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc đã dần phục hồi, đạt 198 tấn trong quý I/2023, quý đầu tiên mà hoạt động mua sắm của người tiêu dùng nước này không bị hạn chế vì lệnh phong tỏa được nới lỏng. Điều này đã bù đắp phần nào cho nhu cầu suy giảm ở Ấn Độ, nơi mức độ tiêu thụ giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 78 tấn trong quý I/2023. Và yếu tố chính dẫn đến hiện tương suy giảm trên chính là việc giá vàng nội địa tăng mạnh.
Theo WGC, nhu cầu đầu tư vàng trong quý đầu năm đã trải qua sự biến đổi. Dù trong tháng 1 và tháng 2 đã xuất hiện hiện tượng rút vốn ra khỏi quỹ ETF vàng, nhưng do rủi ro hệ thống của nền kinh tế Mỹ, nên tháng 3 đã ghi nhận sự phục hồi vốn đầu tư vào quỹ ETF vàng, từ đó góp phần giảm lượng rút của toàn quý xuống chỉ còn mức khiêm tốn, khoảng 29 tấn.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn, mặc dù có sự biến động đáng kể ở các thị trường chính. Nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng tại Mỹ đạt 32 tấn trong quý I, mức cao nhất trong một quý kể từ năm 2010, chủ yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn trong tình hình khủng hoảng ngân hàng.
Sự gia tăng ở Mỹ cân bằng lại sự suy giảm nhu cầu ở châu Âu, đặc biệt là Đức, nơi nhu cầu đầu tư giảm 73%. Việc nhu cầu tại Đức suy giảm đáng kể chủ yếu do lãi suất thực dương và giá vàng tại thị trường châu Âu tăng, khuyến khích việc bán ra để thu lợi nhuận.
Về nguồn cung, WGC cho biết, quý I đã ghi nhận sự tăng nhẹ trong tổng cung vàng, đạt 1.174 tấn, với mức gia tăng 2% trong khai thác mỏ và 5% trong tái chế, được thúc đẩy bởi giá vàng tăng.
Bà Louise Street, Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường Cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định, diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong quý I đã làm nổi bật sự đa dạng trong nhu cầu vàng và củng cố vai trò cũng như hiệu suất toàn cầu của loại tài sản này.
"Trong bối cảnh có nhiều yếu tố kinh tế và các yếu tố thúc đẩy cầu khác nhau trên thị trường vàng thế giới, sự tăng trưởng ở một số khu vực đã bù đắp cho sự suy giảm ở các khu vực khác. Điểm chung ở các thị trường chính là sự quan tâm của các nhà đầu tư đến vàng để bảo vệ giá trị tài sản trong thời kỳ bất ổn tài chính" - bà Louise Street nhận định.
Ngoài ra, trong bối cảnh đang diễn ra sự bất ổn trong ngành ngân hàng, căng thẳng địa chính trị liên tục và khó khăn kinh tế, vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong tình hình này, dự kiến nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt là khi rào cản từ đồng đô la Mỹ và việc tăng lãi suất đang giảm dần.
"Nhu cầu đầu tư vào vàng thông qua quỹ ETF tiếp tục ổn định trong quý II năm nay và nguy cơ suy thoái tại các thị trường phát triển sẽ là động lực để nguồn đầu tư vào vàng gia tăng vào cuối năm. Các Ngân hàng Trung ương có khả năng sẽ tiếp tục mua vào mạnh mẽ và sẽ trở thành một trong những động lực chính của nhu cầu vàng trong năm 2023, mặc dù mức độ mua vào có thể thấp hơn so với mức kỷ lục đạt được trong năm trước" - chuyên gia WGC dự báo.
“Khi một số nền kinh tế đang đứng trên bờ vực suy thoái, vai trò của vàng như một tài sản chiến lược, dài hạn có thể trở nên vô cùng quan trọng, bởi kênh tài sản này đã chứng tỏ khả năng mang lại lợi nhuận tích cực trong 5 trên tổng số 7 cuộc suy thoái gần đây” - bà Louise Street khẳng định.