Được mệnh danh là “vàng đen” của thế giới, tiềm năng và giá trị của dầu mỏ là rất lớn. Do vậy, thứ vàng đen này thường kéo theo nhiều vụ bê bối tham nhũng mang tầm cỡ trong lịch sử.
Tham nhũng thường gắn liền với quyền lực, người ta có thể kiếm tiền bằng cách bẻ cong luật lệ như vậy. Vậy làm thế nào để phòng, chống tham nhũng? Bằng cách nào để những kẻ tham nhũng này phải trả giá cho những hành vi sai trái của mình? Các tổ chức, quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng như thế nào? Tất cả câu hỏi này được đặt ra và tìm hướng giải đáp trong cuốn sách Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới của tác giả Alexandra Gillies.
Alexandra Gillies làm cố vấn tại Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên. Ông là người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm về việc thúc đẩy tính minh bạch và phòng, chống tham nhũng dầu mỏ.
Qua cuốn sách 7 chương dài gần 500 trang, Alexandra Gillies đưa độc giả đến với những thương vụ dầu mỏ khổng lồ và hàng chục vụ án tham nhũng đầy tai tiếng, phức tạp, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, kéo theo hàng tỷ đôla Mỹ tiền công quỹ bị bòn rút bằng những thủ đoạn tinh vi và mới lạ.
Trong Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới, độc giả bắt gặp câu chuyện của các ông chủ của các công ty dầu khí dấn thân vào những âm mưu đầy rủi ro nhằm đạt được quyền khai thác các lô dầu béo bở; các chính trị gia ở Brazil và Nigeria biển thủ hàng tỷ đôla Mỹ nhằm phục vụ cho chiến dịch bầu cử của họ; các chế độ đạo tặc trị ở Angola, Adécbaigian và Nga chiếm đoạt tài sản từ dầu mỏ để củng cố quyền lực; một nhóm các chủ ngân hàng, kế toán và luật sư sẵn sàng hỗ trợ những kẻ tham nhũng này cất giấu chiến lợi phẩm của họ trong hệ thống các công ty vỏ bọc và thiên đường thuế khóa trên toàn cầu.
Nhưng, âm mưu có tinh vi đến mức nào, những hành vi sai trái rồi cũng bị chỉ ra, kẻ gian phải đối mặt với hậu quả khi các tác nhân trên thế giới đang tích cực hỗ trợ lẫn nhau để đạt được những bước tiến trong công tác phòng, chống tham nhũng.