Xe điện mini sắp được phân phối tại Việt Nam dưới dạng chính hãng. So với những chiếc ôtô điện quen thuộc như Tesla Model X, VinFast VF 8 hay Kia EV6, dòng xe mini có lợi thế hơn khi di chuyển trong đô thị nhờ kích thước gọn gàng.
Nếu có giá bán dễ tiếp cận như một vài thị trường, dòng xe này nhiều khả năng sẽ là sản phẩm thay thế cho xe máy đối với nhóm khách hàng không quá dư dả về tài chính nhưng vẫn muốn có một chiếc ôtô.
Tuy nhiên đây là những điều người dùng có ý định mua ôtô điện mini để thay thế xe máy nên tìm hiểu và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định,
Chi phí đăng ký tăng cao
Hiện tại vẫn chưa có quy định riêng về các khoản phí phải đóng giữa ôtô và ôtô mini, đồng nghĩa với việc dòng xe mini vẫn phải đóng mức thuế, phí của ôtô thông thường. Chi phí đăng ký phương tiện mới của xe 4 bánh luôn cao hơn xe 2 bánh do các quy định về khung thuế.
Chi phí đầu tiên cần phải đóng khi mua xe mới là lệ phí trước bạ. Con số này đối với xe máy là 5% giá trị xe, trong khi ôtô dao động 10-12% tùy theo khu vực. Ví dụ cả xe máy lẫn ôtô đều có giá 200 triệu đồng, chủ xe máy chỉ cần đóng phí trước bạ 10 triệu đồng, tuy nhiên chủ ôtô cần đóng 20-24 triệu đồng.
Đối với xe điện, con số này hiện tại bằng 0 nhờ chính sách miễn, giảm mức thu lệ phí trước bạ cho ôtô điện. Sau ngày 1/3/2025, phí trước bạ xe điện bằng 50% mức thu của xe dùng động cơ đốt trong truyền thống cùng chỗ ngồi.
Ngoài lệ phí trước bạ, chi phí đăng ký biển số giữa ôtô và xe máy cũng có sự khác biệt khá lớn.
Đối với ôtô, lệ phí cấp biển số cao nhất là 20 triệu đồng (TP.HCM và TP Hà Nội), 1 triệu đồng (các thành phố khác) và 200.000 đồng đối với các tỉnh còn lại. Phí cấp biển số xe máy cũng có sự khác biệt theo khu vực lẫn giá xe, thấp nhất 50.000 đồng và cao nhất 4 triệu đồng.
Ngoài 2 khoản phí trên, chủ ôtô còn phải đóng lệ phí đường bộ và đăng kiểm. Đây là những khoản phí không áp dụng cho xe máy. Phí đường bộ là 1,56 triệu đồng/năm, phí đăng kiểm là 240.000 đồng/lần đối với phương tiện dưới 10 chỗ.
Sạc xe lâu hơn đổ xăng
Xe điện mini có quãng đường di chuyển ngắn hơn ôtô truyền thống nhưng không quá chênh lệch với xe 2 bánh. Tuy nhiên thời gian nạp đầy năng lượng mới là điều đáng để quan tâm.
Xe máy phổ thông sau khi đi khoảng 150 km sẽ cần đổ xăng, người lái chỉ mất 5 phút tiếp nhiên liệu là có thể đi tiếp quãng đường tương đương. Ôtô điện mini không giống như vậy, xe cần vài giờ để sạc đầy mới có thể tiếp tục cuộc hành trình.
Wuling Hongguang Mini, mẫu xe điện mini sắp bán tại Việt Nam, không có công nghệ sạc nhanh. Nếu dùng hết năng lượng, người dùng cần đợi khoảng 8 giờ, tương đương 1/3 ngày, để bộ pin được nạp đầy trở lại.
An toàn nhưng không thể đi quãng đường dài
Khi xảy ra va chạm, người điều khiển ôtô luôn được bảo vệ tốt hơn, điều này nhờ vào bộ khung của xe bao bọc xung quanh người ngồi bên trong. Nhiều người thường ví dùng ôtô là "sắt bọc da", trong khi xe máy là "da bọc sắt".
Dù không thể linh hoạt luồn lách, ngồi trong ôtô với điều hòa và không khí trong sạch vẫn dễ chịu hơn việc cầm lái xe máy dưới thời tiết khắc nghiệt hay tắc đường.
Tuy nhiên những chiếc xe điện mini không thể đi quãng đường dài liên tục như xe máy do bộ pin có dung lượng không lớn. Những chuyến đi chơi xa vài trăm km như TP.HCM - Phan Thiết hay TP.HCM - Đà Lạt gần như rất khó thực hiện khi cầm lái ôtô điện mini, nếu được cũng tốn nhiều thời gian hơn xe máy và ôtô truyền thống.
Thói quen sử dụng ôtô của Việt Nam tương đối đặc thù. Hầu hết người dùng cần một chiếc ôtô có khả năng vận hành quãng đường dài cũng như chở được 4-5 người kèm theo hành lý để đáp ứng các chuyến đi du lịch hay về quê của gia đình 2 thế hệ.
Nhìn nhận thực tế, những bất lợi của dòng xe điện mini vẫn tương đối nhiều hơn những lợi ích mà xe mang đến cho người dùng Việt Nam. Điều này khiến ôtô điện mini khó có thể trở thành chiếc ôtô đầu tiên trong garage của người Việt Nam cũng như thay thế hoàn toàn xe máy.