Áp lực quay trở lại văn phòng đã giảm bớt, song nhiều nhân viên đang có xu hướng làm việc trực tiếp, sau những năm tháng làm việc từ xa trở thành một mô hình phổ biến do đại dịch.
Trong báo cáo mới đây của Morning Consult, với cuộc thăm dò ý kiến của khoảng 3.500 người trưởng thành đã đi làm, có ít nhân viên Mỹ làm việc từ xa hơn so với năm 2022.
Khảo sát cho thấy 63% người trưởng thành có việc làm ở Mỹ đang làm trực tiếp, so với 60% trong số 3.500 người được khảo sát vào năm 2022. Tỷ lệ người làm việc từ xa là 23%, giảm từ 27% so với năm trước, theo Fortune.
Kastle Systems, một công ty bảo mật chuyên theo dõi các số liệu khi nhân viên sử dụng thẻ từ để ra vào cổng, đã nhận thấy tỷ lệ nhân viên đi làm ở 10 khu đô thị lớn nhất Mỹ trung bình hơn 50% trong những tuần qua. Ngày đi làm bận rộn nhất rơi vào thứ ba, trong khi ngày thấp nhất, không đáng ngạc nhiên, là thứ sáu.
Hiệu quả hay sở thích?
Tỷ lệ quay lại văn phòng tăng, nhưng liệu điều này có phải sở thích của người lao động hay không lại là chuyện khác.
Có một khoảng cách lớn về những những người thích làm trực tiếp so với thực tế công việc. Theo khảo sát, 46% người lao động nói rằng họ thích làm trực tiếp (tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2022), so với 63% người đang tới văn phòng.
Có 25% người được khảo sát nói rằng mình thích làm việc kết hợp giữa trực tiếp và từ xa (hybrid), so với thực tế là 12% số người được làm theo mô hình này.
Với một vài người chủ, những người coi việc nhân viên trở lại văn phòng sẽ khiến họ làm việc chăm chỉ hơn, đây sẽ là một tin tốt, nhưng ý chí từ người chủ thực tế tác động không nhiều, phần lớn sẽ phụ thuộc vào sở thích. Theo nhiều cuộc khảo sát trước đây, một số nhân viên bày tỏ rằng họ làm việc hiệu quả nhất khi họ có thể ở nhà.
Những Gen Z muốn ở văn phòng
Dẫn đầu trong những người muốn làm việc trực tiếp là nhân viên với độ tuổi thuộc Gen Z.
Theo khảo sát, phần đông người làm việc trực tiếp thuộc Gen Z. Nhóm trẻ này cũng chiếm đa số khi cho rằng bản thân thích làm việc trực tiếp hơn. Gần 90% những người Gen Z muốn làm trực tiếp coi năng suất là một lý do để họ ngồi ở văn phòng.
Những tiền lệ cho thấy Gen Z có thể tận dụng tối đa khả năng làm việc trực tiếp, khi họ đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp.
Vào tháng 9/2022, dữ liệu từ giáo sư kinh tế Nick Bloom của Đại học Stanford và WFH Research đã phát hiện rằng nhiều người Gen Z không muốn mô hình làm việc từ xa hoàn toàn.
Người lao động 20-29 tuổi thuộc nhóm ít thích làm việc hoàn toàn từ xa nhất, điều mà ông Bloom cho là do họ cần được cố vấn và giao lưu trực tiếp.
Dĩ nhiên, chưa bao giờ là dễ để có giải pháp phù hợp với tất cả. Theo Morning Consult, những công ty có chính sách làm việc trực tiếp và phần đông là lao động trẻ cần lưu ý đến điều gì khiến Gen Z dè dặt việc đến văn phòng. Những lý do hàng đầu bao gồm ngại đi lại, hay cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc từ xa.
Thay đổi lớn về tâm lý trở lại văn phòng đến từ những người “Millenials” (Gen Y) và người thu nhập trung bình. Tỷ lệ người lao động làm việc từ xa đã giảm ở Gen Y và người thu nhập 50.000-99.000 USD/năm tại Mỹ.
Trong hầu hết kịch bản, điều mà phần đông nhân viên quan tâm là sự linh hoạt. Họ muốn có thể quyết định ngày nào sẽ làm việc trực tiếp hay từ xa dựa trên tính chất công việc vào thời điểm đó.
Do đó, ông Nick Bloom cho rằng các công ty không chỉ nên thúc đẩy mô hình làm việc kết hợp, mà còn lập kế hoạch để có những ngày cụ thể nào nhân viên đến văn phòng, và ngày nào có thể ở nhà để "yên tĩnh làm việc".