Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 xuất khẩu chè đạt 12 nghìn tấn, trị giá 21 triệu USD, giảm 4% về lượng, nhưng tăng 0,8% về trị giá so với tháng 7/2022; so với cùng kỳ năm trước tăng 16% về lượng và tăng 22,6% về trị giá.
Giá chè xuất khẩu bình quân đạt hơn 1.700 USD
Tính chung trong 8 tháng năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 78 nghìn tấn chè, trị giá 135 triệu USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
"Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2022 ước đạt 1.781 USD/tấn, tăng 56% so với tháng 8/2021. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.727,8 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021".
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh bùng phát vào thời điểm tháng 8/2021 khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị gián đoạn, trong đó có mặt hàng chè. Điều này dẫn tới lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 ở mức thấp nhất so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2022 tăng rất mạnh so với tháng 8/2021, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng về trị giá so với tháng 7/2022 do giá tăng.
Trong cơ cấu chủng loại chè xuất khẩu 7 tháng năm 2022, chè xanh và chè đen là 2 chủng loại xuất khẩu chính, chiếm 89% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong khi chè xanh xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng cả về lượng và trị giá, thì chủng loại chè đen xuất khẩu giảm mạnh, đạt 28 nghìn tấn, trị giá 41,2 triệu USD, giảm 15,3% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, chủng loại chè ô long xuất khẩu trong 7 tháng năm 2022 chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng chè xuất khẩu, nhưng lượng và trị giá tăng rất mạnh, đạt 338 tấn, trị giá 11 triệu USD, tăng 69,7% về lượng và tăng 162,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè ô long xuất khẩu bình quân đạt 3.016,4 USD/tấn, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng chè ô long xuất khẩu tới thị trường Đài Loan và Trung Quốc chiếm 97% tổng lượng chè ô long xuất khẩu.
Trong 7 tháng năm 2022, Pakistan là thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam, đạt 26,2 nghìn tấn, trị giá 49,6 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu chè tới thị trường Hoa Kỳ, Malaysia và Arab Saudi tăng rất mạnh. Xuất khẩu sang Arab Saudi tăng trưởng cao nhất với mức tăng 60%, tiếp theo là Malaysia tăng 28%.
Tốc độ tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu chè sang các thị trường này cho thấy chè của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu khó tính của người tiêu dùng. Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam rất lớn, khi các thị trường này đều là thị trường nhập khẩu chè lớn trên toàn cầu.
Cơ cấu lại các sản phẩm chè hợp lý hơn
Theo thông tin từ worldstopexports.com, trong năm 2021 Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 thế giới sau Pakistan, đạt 531,8 triệu USD, chiếm 8,1% tổng trị giá nhập khẩu toàn thế giới. Các cơ quan chức năng dự báo, nhu cầu chè sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022-2023, tạo cơ hội cho ngành sản xuất mặt hàng nông sản này của Việt Nam. Nghiên cứu do Hiệp hội Chè Hoa Kỳ cho biết, do lạm phát khiến người tiêu dùng đã chuyển sang dùng chè nhiều hơn, thay vì những đồ uống đắt tiền.
Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%.
"Hiện cả nước có 370 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, có nơi một ha chè đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Do cơ cấu giống chưa hợp lý nên chè đen vẫn là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu chè của Việt Nam với 55% sản lượng, chè xanh chiếm 44%, các loại chè khác chỉ chiếm 1%. Trong khi đó trên thế giới, cơ cấu giống chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2%; giống cho chế biến chè ô long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%.
Bên cạnh đó, khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn.
Trước những hạn chế bất cập trên, bà Đỗ Thị Bích Thủy, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương, cho rằng để tăng giá bán và giá trị xuất khẩu chè, cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Cần cơ cấu lại tỷ lệ chè đen và chè xanh một cách hợp lý để đảm bảo đáp ứng cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Cần hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ…
"Năm 2008, khi sang châu Âu, chúng tôi nhận thấy chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với chúng tôi cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm. Công ty Ecolink thu mua trước đây chuyên thu mua chè từ các vùng sản xuất chè trọng điểm như Thái Nguyên, Mộc Châu, Tuyên Quang… để chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên, chè ở các vùng này rất khó vượt qua được hàng rào kỹ thuật ở EU, loại chè này xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều bị trả giá thấp. Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng chè ở vùng sâu vùng xa thì đạt chất lượng tốt. Ví dụ như chè Shan tuyết ở Hà Giang, chè Shan Tuyết ở Tà Xùa (Sơn La) khi xuất khẩu dễ dàng vượt qua được tiêu chuẩn khe khắt ở EU, và bán được với giá cao lên đến 4.000- 4.500 USD/tấn, trong khi chè thông thường thu mua từ vùng trồng chè Thái Nguyên chỉ xuất khẩu được với giá 1.600-1.800 USD/tấn.
Sở dĩ chè ở vùng sâu, vùng xa trên núi cao chinh phục được khách hàng khó tính, phần vì đó là chè hái từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Mặt khác ở những khu vực núi cao, nông dân không bón phân vô cơ, không phun thuốc hóa học, nên dễ dàng đạt được chứng nhận chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ luôn được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng".
Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Giám đốc Điều hành Ecolink.
"Hợp tác xã chè Bản Liền hiện có hơn 400 ha chè được công nhận hữu cơ, với 310 hộ dân tham gia liên kết sản xuất. Sản phẩm chè Bản Liền được cấp 3 chứng nhận chất lượng của Hoa Kỳ và châu Âu. Việc sản xuất chè hữu cơ không chỉ thuận lợi cho bà con nông dân, mà ngay doanh nghiệp cũng rất thuận lợi trong việc kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc và thu hái. Hơn nữa, việc sản xuất hữu cơ cũng góp phần bảo vệ đất, tránh bạc màu để sản xuất lâu dài. Nhờ đó, chúng tôi tạo được đầu ra ổn định, bà con an tâm sản xuất, doanh nghiệp duy trì được hoạt động. Với chè hữu cơ thì chúng tôi có thể làm ra rất nhiều sản phẩm từ chè tươi, lá trà, quả trà,… sản phẩm thì vào được các thị trường Mỹ và Châu Âu, giá trị nâng lên rất nhiều.
Đến nay, các sản phẩm chè của HTX như hồng trà, chè sấy, chè đen, chè xanh đang được xuất khẩu sang châu Âu với giá từ 3.000 – 4.000 USD/tấn (tùy loại), tức là cao gấp 2- 3 lần so với giá chè xuất khẩu thông thường. Từ khi tham gia vào thị trường đặc biệt khó tính này, bình quân mỗi năm, Bản Liền xuất khẩu gần 2 nghìn tấn chè các loại, doanh thu hàng chục tỷ đồng".
Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai.