Mùa báo cáo tài chính quý IV/2022 đang ghi nhận những kết quả bất ngờ ở các chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Bức tranh màu xám xuất hiện nhiều hơn ở các doanh nghiệp lớn, không chỉ suy giảm mà chuyển trạng thái sang thua lỗ.
Nhiều công ty trong các ngành nghề đã bắt đầu ngấm đòn kinh tế khó khăn, số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng lên nhanh chóng, nhất là trong các mảng bất động sản, thép, thủy sản và một số đơn vị khác.
Hai cái tên bất ngờ
Trong quý cuối năm, không phải các doanh nghiệp hàng không như thường lệ mà các cái tên HAGL Agrico và Viettel Global mới là những doanh nghiệp gây sốc nhất thị trường với mức lỗ cao kỷ lục.
HAGL Agrico - công ty niêm yết duy nhất của tỷ phú Trần Bá Dương - trở thành đơn vị lỗ sau thuế lớn nhất quý IV/2022 với 2.793 tỷ đồng. Con số này bao gồm 555 tỷ đồng lỗ thuần, phần lớn 2.127 tỷ lỗ do ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây và 110 tỷ đồng là lỗ khác.
Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải do ảnh hưởng của cơn bão Noru, tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào dẫn đến sản lượng thu hoạch chuối giảm 68%, giá mua phân bón tăng 35%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 18%, cước vận chuyển tăng 9%.
Ngoài ra, công ty thực hiện rà soát lại sổ sách kế toán, ghi nhận chi phí chuyển đổi các vườn cây năm 2020 trở về trước chưa hạch toán bao gồm vườn cây cao su, cọ dầu và cây ăn trái với tổng chi phí 2.127 tỷ đồng.
Tính chung cả năm, công ty nông nghiệp chỉ đạt 742 tỷ đồng nhưng lỗ lên đến 3.566 tỷ đồng. Điều này tiếp tục nâng mức lỗ lũy kế đạt gần 7.000 tỷ đồng.
Đứng tiếp theo trong danh sách thua lỗ là Viettel Global (VGI) với con số 2.722 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 141 tỷ và cả ba quý đầu năm vẫn còn có lợi nhuận nghìn tỷ đồng.
Kết quả này do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 3.853 tỷ, tức gấp 3,9 lần cùng kỳ chủ yếu do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Nợ xấu của doanh nghiệp đã tăng đột biến từ 6.515 tỷ đầu năm lên đến 14.165 tỷ vào cuối năm.
Dù vậy, do con số tích cực các quý đầu năm, Viettel Global tính chung cả năm 2022 vẫn có lợi nhuận kỷ lục gần 1.550 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần năm liền trước và qua đó giảm bớt lỗ lũy kế còn hơn 3.900 tỷ đồng.
Hàng không hồi phục doanh số
Ngành hàng không dù chứng kiến nhu cầu đi lại hồi phục mạnh mẽ vẫn tiếp tục gặp những thách thức mới về biến động tỷ giá, môi trường lãi suất cao khiến chi phí tài chính cao, giá xăng tăng tác động tiêu cực đến chi phí nhiên liệu...
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục có quý thứ 12 liên tiếp thua lỗ với con số 2.587 tỷ và tính chung cả năm lỗ ròng 10.400 tỷ đồng.
Vietnam Airlines lý giải do chi phí nguyên liệu tăng (giá nhiên liệu bình quân tăng gần 40%) và chi phí bán hàng tăng tương ứng với doanh số bán hàng. Ngoài khoản lỗ của công ty mẹ thì khoản lỗ của cả Pacific Airlines và Công ty Dịch vụ mặt đất đều tăng.
Hãng hàng không quốc gia hiện lỗ lũy kế xấp xỉ 34.200 tỷ và khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng. Kết quả này sẽ khiến cho 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang giao dịch ở HoSE có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu không có "đặc cách".
Xếp ngay phía sau là khoản lỗ kỷ lục gần 2.359 tỷ đồng của Hàng không Vietjet trong quý IV/2022. Điều này khiến hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có năm đầu tiên bị âm lợi nhuận.
Tuy nhiên, doanh nghiệp hàng không cũng đã có những điểm sáng nhất định khi hoạt động mạnh mẽ trở lại. Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu cao gấp 2,5 lần đạt gần 71.000 tỷ đồng hay doanh thu Vietjet gấp 3 lần ở mức 39.300 tỷ đồng trong năm qua.
Hãng hàng không quốc gia nhận định thị trường quốc tế đã từng bước được phục hồi trong quý cuối năm ngoái, nhờ đó hoạt động của tổng công ty sẽ tích cực hơn trong năm 2023. Trong khi Vietjet cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ vào việc mở cửa thị trường quốc tế.
Đến bất động sản, chứng khoán, thép
Hai ngành chủ lực khác của nền kinh tế là bất động sản và sắt thép tiếp tục chìm trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phá đáy lợi nhuận và dòng tiền yếu đi nghiêm trọng.
Công ty đầu ngành thép là Hòa Phát gây sốc khi có quý lỗ nặng tiếp theo gần 2.000 tỷ đồng, dù cùng kỳ năm ngoái có lãi trên 7.400 tỷ. Tính chung cả năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long vẫn có lãi trên 8.440 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Tình cảnh không khá khẩm hơn với những doanh nghiệp lớn khác. Tập đoàn Hoa Sen nối tiếp quý lỗ ròng 680 tỷ, lợi nhuận VNSteel đi lùi 410 tỷ, Thép Nam Kim đánh mất 356 tỷ hay Pomina, Tôn Đông Á, SMC cũng lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Doanh nghiệp ngành thép nửa cuối năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu suy yếu và giá bán giảm sâu, nhiều đơn vị buộc phải cắt giảm công suất. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tiêu thụ thép trong nước giảm hơn 7% chỉ còn 27,3 triệu tấn và xuất khẩu thép giảm 20% xuống 6,28 triệu tấn.
Nhóm bất động sản còn gặp nhiều thách thức hơn từ sự đảo chiều chính sách khiến các kênh huy động vốn bị thắt chặt, nhu cầu mua nhà nhỏ giọt ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Do hụt thu từ mảng kinh doanh cốt lõi, Tập đoàn Đất Xanh lỗ sau thuế kỷ lục 460 tỷ đồng, xấu đi rất nhiều nếu so sánh với mức lãi 245 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Bất động sản Phát Đạt ngậm ngùi ghi nhận lỗ ròng 267 tỷ đồng trong quý cuối năm và là lần đầu tiên thua lỗ kể từ 2011 đến nay. Lãnh đạo doanh nghiệp này còn đối mặt với áp lực bán giải chấp cổ phiếu khối lượng lớn.
Không khó để liệt kê hàng loạt cái tên khác trong ngành bất động sản khác chìm trong khó khăn quý cuối năm ngoái như Đầu tư LDG lỗ ròng gần 39 tỷ đồng, lợi nhuận CenLand đi xuống 57 tỷ đồng, TTC Land lỗ ròng hơn 91 tỷ đồng, Hải Phát cũng có lợi nhuận âm...
Bức tranh kinh doanh của ngành chứng khoán cũng trong gam màu xám khi hàng loạt công ty bị mất nguồn thu và giảm lợi nhuận. Một số đơn vị như Chứng khoán Apec thậm chí lỗ gần 450 tỷ đồng, lợi nhuận Chứng khoán VIX đi lùi 199 tỷ đồng, Chứng khoán APG lỗ gần 152 tỷ đồng.
Một số công ty đơn lẻ khác cũng có kết quả tiêu cực như Kinh Bắc City lỗ 539 tỷ đồng, Đức Long Gia Lai bị âm gần 500 tỷ, Bamboo Capital lỗ gần 339 tỷ, Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến lao dốc 330 tỷ hay Khoáng sản TKV đi lùi 222 tỷ đồng...