Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm nhập khẩu nguyên liệu
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) cho hay, liên quan đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất, các chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất và công nghệ, thủ tục, quy trình pháp lý minh bạch và giảm rào cản thị trường là ba bước quan trọng mà Chính phủ có thể thực hiện khi các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Vị này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu mà nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng (khi bị thiếu hụt nguồn cung ứng).
Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip điện tử, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.
Trước những cơ hội và thách thức do tình trạng thiếu chip gây ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam kỳ vọng, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip. Đơn cử như hỗ trợ về vốn tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Hoa Kỳ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip, áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.
Bà Erin Ennis - Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Dell Technologies cho biết, với các khoản đầu tư trong 30 năm qua cho thấy các dự án của Dell ở Việt Nam thúc đẩy và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, cơ khí và đóng gói sở tại. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Dell. Do đó, Dell mong muốn tiếp tục hợp tác và đóng góp cho nền kinh tế và ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.
Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Micheal Vũ Nguyễn - Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam cho biết, Boeing đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam và chú tâm vào xây dựng năng lực địa phương cũng như hợp tác với các tổ chức Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, nghiên cứu và công nghệ, đào tạo và phát triển kỹ năng.
Boeing cũng sẽ thúc đẩy sự bền vững toàn cầu và trao đổi công nghệ số. Boeing đã giới thiệu tiềm năng của năng lượng bền vững cho ngành hàng không (Sustainable Aviation Fuel - SAF) và khuyến khích việc đầu tư, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sạch này cho các hãng bay tại Việt Nam trong tương lai.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục chính sách rộng mở, linh động, hiệu quả cho các nhà cung cấp chính trong ngành hàng không được thuận tiện đầu tư thêm và đầu tư mới vào Việt Nam và mong đợi Việt Nam trở thành nguồn cung ứng quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ nói chung và chuỗi cung ứng của Tập đoàn Boeing nói riêng”- ông Micheal Vũ Nguyễn mong muốn.
Hướng tới mục tiêu hệ sinh thái công nghiệp
Liên quan đến phát triển khu công nghiệp, ông Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, với định hướng chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, tất cả các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đều hướng tới thực hiện hợp tác, đồng hành, ban hành các chính sách phù hợp, tạo các cơ sở hạ tầng, các tiện ích phục vụ tốt nhất cho con người và cho các doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư sản xuất kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Trong đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành ngày 28/5/2022 trên cơ sở sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP và tình hình thực tế. Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.
Để định hướng dẫn dắt phát triển các khu công nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường…, tạo “mái nhà thứ hai” sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - sinh sống - làm việc cho doanh nghiệp, người lao động nói chung và công nhân, chuyên gia nói riêng tại các khu công nghiệp tại Việt Nam. Từ đó các khu công nghiệp ra đời và điều chỉnh với sắc thái thế hệ mới xanh hóa, thông minh hóa, lấy việc phục vụ hạnh phúc con người làm mục tiêu phát triển.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thời gian tới cần xây dựng chuỗi các khu công nghiệp thế hệ mới mang màu sắc hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng dịch vụ, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, hướng đến khu công nghiệp thông minh và kinh tế tuần hoàn… “Tất cả những điều này chính là phát triển khu công nghiệp theo hướng "Hệ sinh thái công nghiệp" gắn chặt với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã, đang chỉ đạo thực hiện”- ông Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.
“Nhân đây tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế lớn, các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam hãy tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, trở thành đối tác, thành sản xuất vệ tinh của các bạn”- ông Nguyễn Hoàng bày tỏ.
Đồng thời, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng khẳng định: "Chúng ta cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất tại Việt Nam và cùng nhau tham gia chuỗi kinh doanh, sản xuất, dịch vụ toàn cầu để cùng thành công”.