Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp, lực lượng lao động già hoá và sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng yếu và thị trường bất động sản suy thoái, các nhà phân tích đang nhận định quốc gia này giống với Nhật Bản. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ rơi vào “thập kỷ mất mát”.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại đáng kể sau khi bong bóng bất động sản vỡ tung vào cuối năm 1989. Khi đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình muốn giải quyết gánh nặng nợ nần hơn là chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động sụt giảm nhưng nợ vẫn tiếp tục phình to.
Trong báo cáo “Fiscal Monitor”, IMF ước tính tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng và đạt 258,2% vào năm 2023. Đây là mức cao nhất trong tất cả các nền kinh tế phát triển.
Trung Quốc và Nhật Bản cùng theo đuổi một mô hình kinh tế, tăng trưởng dựa vào các khoản tiết kiệm và đầu tư lớn. Chính phủ các quốc gia này cũng thúc đẩy các biện pháp từ phía nguồn cung để khuyến khích xuất khẩu.
Tuy nhiên, một trong những điểm khác biệt chính là khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc phần lớn được “thổi phồng” bởi các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm cả chính quyền địa phương. Điều này có nghĩa là họ chỉ ngừng đi vay nếu có yêu cầu từ phía chính phủ.
Trong khi đó, tình hình tài chính ở Trung Quốc đang xấu đi, đặc biệt là ở các tỉnh nghèo nhất. Tình trạng này đang làm dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ của các chính quyền địa phương.
George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại China Centre thuộc Đại học Oxford, cho biết: “Việc so sánh giữa Trung Quốc và Nhật Bản có cái nhìn khá thú vị, nhưng không hẳn là diễn biến nền kinh tế Trung Quốc sẽ di chuyển theo hướng đó trong 5-10 năm tới.”
Các nhà phân tích cho rằng, bài học quan trọng với Trung Quốc là không lặp lại những sai lầm mà các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã mắc phải.
NHTW Nhật Bản đã chậm trễ trong việc hạ lãi suất. Chính phr nước này lại đưa ra các biện pháp kích thích theo hướng đầu tư nhiều hơn và tiêu dùng. Hơn nữa, bong bóng chứng khoán và bất động sản vỡ tung đã dẫn đến nhiều thập kỷ trì trệ.
Richard Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, cho biết đã có những dấu hiệu cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc ngần ngại đi vay, ngay cả sau khi PBOC hạ lãi suất vào tháng 6.
Koo nhận định: “Đây là dấu hiệu xấu khi nói đến kinh tế vĩ mô. Đối với cá nhân người dân và doanh nghiệp, có thể họ đang làm điều đúng đắn nhưng lại đang ‘giết chết’ nền kinh tế.”
Ngân hàng đầu tư Pháp Natixis đã phân tích 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết từ năm 2021 đến tháng 3/2023. Họ nhận thấy, tăng trưởng chi tiêu vốn ở nước này không hồi phục sau khi lao dốc mạnh vào năm 2022.
Natixis nhận định: “Trung Quốc không ở thập kỷ mất mát như Nhật Bản vào những năm 1990. Dù chi phí đi vay thấp hơn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc đang giảm nợ, tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và đầu tư ít đi do lợi nhuận trên vốn và niềm tin đi xuống.”
Natixis, doanh thu từ đòn bẩy và chi phí vốn của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã sụt giảm mạnh. Do tài sản của các doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 32% lĩnh vực này, nên việc bù đắp đà tăng trưởng bằng các ngành khác trong ngắn hạn là điều khó khăn.
Song, Zhang Monan, phó giám đốc Viện Nghiên cứu châu Mỹ và châu Âu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết, không như Nhật Bản, giá tài sản ở Trung Quốc sẽ không đối mặt với cú sốc lớn.
Bà nói, kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi, các ngành công nghiệp truyền thống đang lùi lại phía sau. Dù các ngành mới phát triển nhanh chóng nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa thể bằng những “động lực” cũ.
Theo Zhang, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và hoạt động tiêu dùng vẫn có khả năng tăng trưởng.
Bà cho rằng, Bắc Kinh đang thúc đẩy nhiều biện pháp cải cách khác nhau, khi rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao không có đợt kích thích quy mô lớn nào. Trọng tâm đối với các nhà hoạch định chính sách là về trung và dài hạn.
Trong thông điệp gửi tới các doanh nghiệp tư nhân trong cuộc họp mới đây, Bắc Kinh đã đưa ra sự ủng hộ vững chắc về chính trị, nhằm mục đích vực dậy khu vực này, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm và đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, Magnus cho biết nếu không chuyển trọng tâm chính sách sang người tiêu dùng và dịch vụ, Trung Quốc khó có thể đưa đà tăng trưởng trở lại đúng hướng.
Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết dường như việc đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn nhiều vào cuối thập kỷ này là điều không thể tránh khỏi. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách có thể đẩy lùi nguy cơ suy thoái bằng cách bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều này sẽ lặp lại những sai lầm mà Nhật Bản mắc phải và cũng không phát huy hiệu quả, khiến nợ công tăng cao và tăng trưởng vẫn chậm lại trong vài năm tới.