Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý diễn ra trên thế giới trong những ngày tới:
1/ Lãi suất của Mỹ sẽ tăng một lần nữa rồi kết thúc?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản một lần nữa vào thứ Tư (3/5) và báo hiệu việc tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980.
Các nhà hoạch định chính sách và thị trường vẫn còn mâu thuẫn về quỹ đạo lãi suất của Mỹ: Ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới dự kiến chi phí đi vay sẽ duy trì ở mức hiện tại trong suốt năm 2023, trong khi các nhà đầu tư đang đặt cược rằng lãi suất sẽ được cắt giảm sau mùa hè.
Các dấu hiệu cho thấy Fed có thể sẽ hành động đúng như dự đoán của thị trường và điều đó có thể đẩy lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thấp hơn - về lý thuyết là có lợi cho các cổ phiếu vốn hóa lớn đã từng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ hồi đầu năm nay.
Thị trường hiện đang dự đoán gần 90% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 5. Nhưng niềm tin vào việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản đã bị dao động trong những ngày gần đây sau khi các vấn đề tại tổ chức cho vay First Republic khơi dậy mối lo ngại đối với lĩnh vực ngân hàng Mỹ.
2/ ECB sẽ tăng lãi suất lần thứ 7?
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ nâng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp vào ngày 4 tháng 5 và các nhà hoạch định chính sách tin rằng lãi suất lần này sẽ được điều chỉnh tăng 25 điểm cơ bản thay vì mức tăng lớn hơn (50 điểm cơ bản). Tuy nhiên, lạm phát cơ bản và dữ liệu cho vay mà ngân hàng công bố trong những ngày tới có thể ảnh hưởng đến quyết định đó.
Với sự ổn định trở lại trong lĩnh vực ngân hàng sau đợt giảm tháng 3, những người ủng hộ lãi suất tăng có thể cảm thấy tự tin vào một đợt tăng lãi suất mạnh nữa. Dữ liệu sơ bộ về lạm phát tháng 4 công bố vào thứ Ba (2/5) có khả năng xác nhận áp lực giá cơ bản - trên 5% - vẫn ở mức cao một cách khó chịu. Khoảng 2,5 triệu nhân viên trong khu vực công của Đức sẽ được tăng lương vĩnh viễn 5,5% vào năm tới, một dấu hiệu cho thấy áp lực tiền lương đang gia tăng.
Nhưng nếu dữ liệu cho vay của ngân hàng, cũng được công bố vào thứ Ba (2/5), cho thấy các điều kiện tín dụng đã bị thắt chặt đáng kể, thì những người ủng hộ quan điểm tăng lãi suất chậm lại sẽ cảm thấy tự tin hơn về dự đoán của mình.
3/ Apple kết thúc mùa báo cáo thu nhập ở Mỹ
Mùa thu nhập của các công ty Mỹ sẽ cao điểm vào thứ Năm (4/5) với kết quả từ Apple, công ty lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường, ở mức 2,6 nghìn tỷ đô la.
Cùng với các cổ phiếu vốn hóa lớn khác, Apple đã dẫn đầu đà phục hồi trong S&P 500 năm 2023, giúp cho các dữ liệu của công ty có thêm sức mạnh. Tỷ trọng hơn 7% của Apple trong S&P 500 lớn hơn toàn bộ lĩnh vực năng lượng và gần bằng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, nhà sản xuất iPhone dự kiến sẽ đạt doanh thu 93 tỷ USD trong quý thứ hai của tài khóa này - giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân dự đoán thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ giảm gần 6% xuống còn 1,43 đô la.
Báo cáo từ Apple, công ty có các sản phẩm và dịch vụ được sử dụng rộng rãi bao gồm MacBook và iPad cũng như dịch vụ ngân hàng, là thước đo nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu và kết quả này sẽ lan truyền khắp các thị trường do tầm quan trọng của công ty đối với một số ngành.
4/Úc tạm dừng thắt chặt tiền tệ?
Đặt cược vào việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) quay trở lại thắt chặt chính sách vào thứ Ba (2/5) đã tan thành mây khói, sau khi chỉ số giá tiêu dùng ở nước này giảm nhẹ làm gia tăng bằng chứng cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh vào cuối năm ngoái.
Điều đó đã khiến đồng đô la Úc chịu áp lực giảm, hiện ở gần mốc 0,66 USD ngay cả khi đồng bạc xanh suy yếu so với các đồng tiền chính khác.
Thống đốc RBA, Philip Lowe, tại cuộc họp vào tháng 4 đã nhấn mạnh việc tạm dừng lãi suất không nhất thiết có nghĩa là chu kỳ thắt chặt đã kết thúc và biên bản cho thấy việc tăng lãi suất đã được tranh luận sôi nổi.
Liệu ông Lowe, người có nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 9 tới, có tiếp tục giữ chức vụ hiện tại để giám sát các động thái tiếp theo hay không là một câu hỏi khác. Có nhiều suy đoán rằng, không giống như hai người tiền nhiệm, ông sẽ không được yêu cầu ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.
5/ Loạt dữ liệu quan trọng ở Anh
Lạm phát kiểu những năm 1970 của Vương quốc Anh và tăng trưởng gần như bằng không là điều nền kinh tế này không mong đợi. Vẫn chưa xảy ra khủng hoảng tín dụng - theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Anh, nhưng nhiều ngân hàng dự đoán khả năng vỡ nợ gia tăng đối với tín dụng tiêu dùng, thế chấp và các khoản vay doanh nghiệp.
Dữ liệu vào thứ Ba (2/5) sẽ cho thấy liệu giá nhà có thực sự đã được điều tiết hay không và liệu sự sụt giảm trong hoạt động cho vay thế chấp có đang ổn định trở lại hay không? Dữ liệu về doanh số bán ô tô mới, đạt mức cao nhất trong 18 tháng vào tháng 3, cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Người Anh nợ thẻ tín dụng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng thời gian 24 tháng kể từ đầu năm 2006 vào tháng Hai và dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào thứ Năm (4/5) sẽ cho thấy xu hướng đó đang phát triển như thế nào.
Loại vay này không rẻ. Số liệu thống kê của BoE cho thấy lãi suất trung bình trên thẻ tín dụng ở Anh là 22,5% - mức cao nhất kể từ giữa những năm 1990. Và với việc tăng lãi suất nhiều hơn vẫn đang nằm trong kế hoạch của BoE, thậm chí áp lực tăng lãi suất chỉ có khả năng gia tăng chứ không giảm.
Trong khi đó, Thủ tướng Rishi Sunak phải đối mặt với cuộc kiểm tra bầu cử lớn đầu tiên vào ngày 4 tháng 5 và đang có các cuộc thăm dò tại địa phương nơi Đảng Lao động đối lập hy vọng sẽ tận dụng một năm hỗn loạn để có lợi cho Đảng Bảo thủ cầm quyền.
Tham khảo: Refinitiv