Kinh tế Trung Quốc đã không hồi phục mạnh mẽ sau Covid-19, trong khi ở phương Tây, Vương quốc Anh và Khu vực đồng euro (Eurozone) đã vượt qua suy thoái, và cơ hội cho nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm có vẻ đang tăng lên.
Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trên toàn thế giới trong tuần 14 – 17/8/2023:
1/ Trung Quốc: tâm điểm chú ý là doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và lĩnh vực bất động sản
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sẽ còn vài tuần (hoặc vài tháng) khó khăn khi thị trường nhà ở vẫn chưa ổn định, tăng trưởng và đầu tư tư nhân vẫn còn yếu ớt; tiêu dùng và dịch vụ đang gặp khó khăn, không đáp ứng được kỳ vọng - là sẽ bùng nổ sau Covid-19.
Các thị trường đã thất vọng vì Trung Quốc đã không đưa ra những hành động kích thích cụ thể, trong khi các chỉ số PMI cho thấy triển vọng sắp tới vẫn mờ mịt.
Dữ liệu doanh số bán lẻ của Trung Quốc công bố vào thứ Ba (15/8), dự kiến sẽ cho thấy chi tiêu tại đây có thể duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 3% trong tháng 6 hay không - khác xa so với mức tăng 2 con số hồi đầu năm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng sẽ được công bố trong cùng ngày, cũng như dữ liệu về đầu tư tài sản cố định và về lĩnh vực nhà ở của Cục Thống kê quốc gia (NBS) - sẽ ‘kiểm tra sức khỏe’ của lĩnh vực bất động sản nước này, một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
2/ Mỹ: Tâm điểm chú ý là cuộc họp ngân hàng ở Jackson Hole và biên bản họp tháng Bảy của Fed
Thị trường chuyển sang theo dõi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng Tám. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng tập trung theo dõi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của ngân hàng trung ương Mỹ, cũng như dữ liệu về doanh số bán lẻ của nước này.
Biên bản cuộc họp của Fed, sẽ được công bố vào thứ Tư (16/8), có thể cung cấp những chứng cứ rõ ràng hơn về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách thể hiện trong cuộc họp ngày 25-26 tháng 7, tại đó ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất và để ngỏ khả năng tăng thêm một lần nữa vào tháng 9. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát tháng 7 cho thấy khả năng đó bắt đầu có vẻ xa vời.
Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ có thêm một góc nhìn khác về ‘sức khỏe’ của người tiêu dùng Mỹ qua báo cáo doanh số bán lẻ, công bố hôm thứ Ba (15/8). Doanh số bán lẻ tháng 6 công bố cách đây một tháng cho thấy mức tăng ít hơn dự kiến, nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã vượt qua giai đoạn lãi suất liên tục tăng cao. Một kết quả tương tự cho tháng 7 có thể mở ra câu chuyện “hạ cánh mềm” khi lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng bền vững đã thúc đẩy thị trường.
3/ Eurozone: Dữ liệu GDP quý II có tăng như dự đoán?
Khu vực đồng euro đã cố gắng tránh được suy thoái kỹ thuật trong quý đầu tiên của năm nay, sau khi cơ quan thống kê khu vực điều chỉnh dữ liệu cho thấy GDP quý I/2023 từ -0,1% lên 0%, sau khi giảm 0,1% trong quý cuối cùng của năm 2022.
Dữ liệu công bố ngày 16 tháng 8 có thể xác nhận chắc chắn mức tăng trưởng mạnh lên trong quý II. Một ước tính sơ bộ vào cuối tháng 7 cho thấy GDP của khu vực đã tăng 0,3% trong quý II/2023 so với quý I/2023.
Một số chỉ số cho thấy nền kinh tế Eurozoe đang chậm lại, bao gồm thước đo về hoạt động kinh doanh, đã rơi vào vùng suy thoái, và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục.
Thị trường tiền tệ cho thấy các nhà giao dịch dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tăng lãi suất lần cuối trong năm nay, trước khi bắt đầu cắt giảm vào mùa Xuân.
Các số liệu GDP có thể giúp các nhà đầu tư dự đoán Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ quyết định như thế nào trong tháng tới.
4/ Nhật Bản: Thị trường trái phiếu có bớt biến động?
Sau một vài tuần biến động mạnh, lợi suất trái phiếu Nhật Bản JGB kỳ hạn 10 năm cuối cùng có lẽ cũng tìm được điểm cân bằng – dưới mức trần 1% và không xa so với mức trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ điều chỉnh chính sách.
Sau khi đạt mức cao nhất trong 9 năm là 0,65% khiến ngân hàng trung ương Nhật phải vào cuộc - lợi suất trái phiếu JGB đã ổn định ở mức khoảng 0,58%.
Nguyên nhân không phải do BOJ nặng tay mà bởi nhà đầu tư có quá nhiều nhu cầu đối với trái phiếu sau nhiều năm lợi suất dưới 0,5%.
Các nhà đầu tư cũng đã nhận ra rằng mặc dù các hạn chế về lợi suất dài hạn đã được nới lỏng, trong ngắn hạn nhưng lãi suất âm sẽ được duy trì. Các nhà hoạch định chính sách đang lo lắng liệu việc tăng lương có tiếp tục thực hiện hay không và về nguy cơ xảy ra một cú sốc đối với xuất khẩu do nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.
Những tác động trái chiều ngay trên thị trường trong nước và sự suy giảm ở nước ngoài sẽ thể hiện ở dữ liệu GDP quý II của Nhật Bản, sẽ công bố vào thứ Tư (16/8), sau khi GDP quý I đảo chiều tăng lên 0,1% từ mức giảm 0,4% trong quý IV/2022.
5/ Vương quốc Anh: Dữ liệu thị trường lao động rất quan trọng
Dữ liệu về thị trường việc làm của Vương quốc Anh có thể có tác động đến kỳ vọng về lãi suất mạnh hơn so với bất kỳ chỉ số nào khác, có nghĩa là mọi con mắt sẽ đổ dồn vào dữ liệu thị trường lao động của Anh, công bố vào ngày 15/8, vì có những dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Phản ứng với lạm phát tổng thể ở mức 7,9% trong tháng 6, BoE đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, là 5,25% vào ngày 3 tháng 8.
Một cuộc khảo sát của Citi/YouGov cho thấy người dân Anh dự đoán đến tháng 7 năm 2024, lạm phát sẽ ở mức 4,3%.
Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy thị trường việc làm mạnh mẽ, vốn đã giúp các hộ gia đình duy trì chi tiêu, đang suy giảm. Nguồn cung lao động của Vương quốc Anh trong tháng Bảy đã tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2009, theo Liên đoàn Tuyển dụng & Việc làm quốc gia.
Giới phân tích kỳ vọng chu kỳ tăng lãi suất của BoE sẽ sớm kết thúc. Các chiến lược gia của Morgan Stanley dự báo sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 9, sau đó là một đợt tạm dừng tăng kéo dài.