Những ngày qua, vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn ("cha đẻ" của Phở Thìn 13 Lò Đúc) với “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào. Trong khi đó, ông Đoàn Hải Trung, người từng được ông Thìn cho phép sử dụng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương, chia sẻ với báo chí rằng mình là "giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn".
Ngoài những lùm xùm liên quan thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, một vấn đề khác được quan tâm là việc thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ do văn bằng nhãn hiệu này đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), được biết đến với tên Phở Thìn Bờ Hồ.
Trường hợp này, việc đặt tên gây nhầm lẫn với một thương hiệu đã được bảo hộ có phải hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ không? Nếu thương hiệu không thể được cấp văn bằng bảo hộ, việc nhượng quyền thương mại có thể diễn ra không?
Phở Thìn 13 Lò Đúc có được cấp văn bằng bảo hộ?
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS) nhìn nhận để xác định việc bảo hộ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc có vi phạm sở hữu trí tuệ không, cần xem xét 2 yếu tố cơ bản. Đó là không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh hoặc nhãn hiệu của người khác được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Trong vụ việc này, cả Phở Thìn 13 Lò Đúc và Phở Thìn Bờ Hồ đều hoạt động trong cùng lĩnh vực là dịch vụ ăn uống, có khu vực kinh doanh đều tại Hà Nội và được nhiều người tiêu dùng biết tới trên thị trường, công nhận là quán ăn ngon.
Trên thực tế, nhãn hiệu hàng hóa "Phở Thìn" của Phở Thìn Bờ Hồ đã được sử dụng hợp pháp thực tế từ năm 2003, trước ngày Phở Thìn Lò Đúc nộp hồ sơ xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này. Như vậy, luật sư Tuấn nhìn nhận tên thương mại của Phở Thìn Lò Đúc trùng với tên thương mại và nhãn hiệu của Phở Thìn Bờ Hồ và không đáp ứng các điều kiện bảo hộ.
"Việc Phở Thìn Lò Đúc đăng ký thương hiệu không vi phạm về sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ vẫn có thể tiếp nhận đơn, song do Phở Thìn Bờ hồ đã được cấp văn bằng bảo hộ và còn thời hạn nên đến giai đoạn thẩm định nội dung, nhãn hiệu Phở Thìn Lò Đúc sẽ khó được cấp văn bằng bảo hộ", ông Tuấn phân tích.
Luật sư cho rằng hành động nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không vi phạm sở hữu trí tuệ, song việc sử dụng nhãn hiệu của người khác đã được bảo hộ mà không được người đó cho phép là hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Hành vi xâm phạm nhãn hiệu có thể được nhận biết qua các dấu hiệu như sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần của nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không được chủ sở hữu nhãn hiệu đó cho phép.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chủ sở hữu của nhãn hiệu có quyền chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng nhãn hiệu, yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu xử lý và đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến xâm phạm nhãn hiệu. Ngoài ra, Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu của doanh nghiệp khác đã được bảo hộ để cấu thành tên doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu nhãn hiệu đó.
Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm thì phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp.
Về chế tài xử phạt, doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc thậm chí hình sự về hành vi Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp này, nếu Phở Thìn Bờ Hồ đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và người đại diện hợp pháp của cơ sở này không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn thì các bên sử dụng nhãn hiệu này bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện của Phở Thìn Bờ Hồ có quyền yêu cầu xử lý đơn vị vi phạm và buộc đơn vị này thay đổi tên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.
Có thể nhượng quyền thương mại không?
Bình luận về vấn đề nhượng quyền thương mại đối với thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, luật sư Tuấn cho biết theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại. Theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
Thứ hai, bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Ngoài ra, theo Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ, thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện gồm: Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm; Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định và Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
Như vậy, trong trường hợp này, nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ và chưa được bảo hộ về nhãn hiệu thì vẫn có thể ký hợp đồng nhượng quyền nếu đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện đã nêu tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP.