Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về công tác vận chuyển hàng không hai tháng đầu năm 2023.
Khách quốc tế tăng 23 lần cùng kỳ
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng điều hành bay đi/đến trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 78.800 chuyến, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2022; điều hành bay quá cảnh đạt 35.400 chuyến, tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong hai tháng đầu năm đạt 19,7 triệu khách, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,7 triệu khách, tăng 1.959,9% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 14,8 triệu khách, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không trong hai tháng đạt 168.000 tấn, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, hàng hóa quốc tế là 117.000 tấn, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, hàng hóa nội địa vẫn giữ được mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 51.000 tấn.
Cũng trong hai tháng đầu năm 2023, tình hình vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 9,8 triệu khách.
Như vậy, lượng hành khách các hãng bay phục vụ tăng tới 91,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa đạt 7,4 triệu khách, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế là 2,4 triệu khách, tăng mạnh mẽ 2.333,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm vận chuyển hàng hóa do các hãng hàng không Việt đảm trách trong hai tháng đầu năm cũng đạt 42.500 tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, hàng hóa quốc tế là 17.000 tấn, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2021; còn hàng hóa nội địa là 25.500 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so năm 2019, gần phục hồi bằng giai đoạn trước khi đại dịch càn quét.
Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau trong đó khu vực trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo là phục hồi chậm nhất.
Đối với Việt Nam, ngành hàng không chứng kiến sự phục hồi rõ rệt trong năm 2022 khi thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng cao vượt năm 2019.
Còn đối với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục diễn ra chậm dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế với hành khách nhập cảnh từ ngày 15/3/2022 và khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022. Bước sang năm 2023, thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức năm 2019 vào cuối năm 2023.
IATA cũng đưa ra dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Hàng không ráo riết kích cầu nội địa, hồi phục thị trường quốc tế
Ngay từ đầu năm 2023, các hãng hàng không sớm triển khai các chương trình kích cầu cũng như bắt tay với các tỉnh thành, các đối tác để xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch, từ đó, tiếp tục duy trì sức bật từ thị trường hành khách quốc nội và gia tăng lợi nhuận từ thị trường quốc tế.
Chẳng hạn, Vietnam Airlines vừa ký kết hợp tác với tỉnh Bình Định cùng nhau phối hợp thực hiện các chiến dịch kích cầu du lịch của tỉnh, nhằm thu hút du khách đến với tỉnh Bình Định và khuyến khích người dân Bình Định đi du lịch trong và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước ghé thăm những bãi biển đẹp, di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và các sự kiện du lịch sôi động trên địa bàn tỉnh.
Hiện Vietnam Airlines đang khai thác hơn 40 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần giữa Hà Nội, TP.HCM và Quy Nhơn, vận chuyển trung bình gần 10.000 lượt khách mỗi tuần.
Được mệnh danh là xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có đầy đủ núi, rừng, biển, đầm, vịnh, sông, hồ, Phú Yên thu hút du khách bởi những thắng cảnh và bề dày lịch sử văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú.
Chính vì vậy, để tăng cường hợp tác thời gian tới, Vietnam Airlines và tỉnh Phú Yên tiếp tục phối hợp tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch cấp quốc gia, quốc tế; triển khai các đoàn xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư, hàng không trong nước và ngoài nước... Trước đó, năm 2022, tổng khách vận chuyển của Vietnam Airlines giữa Hà Nội, TP.HCM và Tuy Hòa (Phú Yên) đạt được gần 220.000 lượt khách.
Nằm trong top 5 những thị trường lớn và quan trọng nhất, hãng hàng không quốc gia cũng vừa ký kết thỏa thuận với Singapore Airlines để tăng cường tìm kiếm cơ hội phát triển và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
Hay VietJet cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi, bay 0 đồng áp dụng toàn mạng bay khắp Việt Nam và Úc, Ấn Độ, Kazakhstan, Hàn Quốc... ngay từ đầu năm.
Cùng với đó, thị trường khách quốc tế cũng đang kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Dự báo từ giới phân tích, du lịch và ngành hàng không Việt Nam có thể kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ, với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%.
Ngoài ra, việc khai thác thêm các thị trường mới, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ... sẽ đem lại sự tăng trưởng cho ngành hàng không trong năm 2023.