Khi bộ phim truyền hình nổi tiếng của HBO Succession sắp kết thúc, một trong những trung tâm điều trị cai nghiện hàng đầu thế giới đã cảnh báo về sự phổ biến của “hội chứng kế vị”, The Guardian đưa tin.
Trung tâm Paracelsus Recovery, có trụ sở ở London (Anh) và Zurich (Đức), chuyên cung cấp dịch vụ trợ giúp y tế, trị liệu và tư vấn, cho biết gần 40% bệnh nhân của họ phải vật lộn với hội chứng này.
Theo đó, ở chiều hướng không tích cực, các gia đình thành công và bề thế có thể “tạo ra nỗi sợ hãi sâu xa về sự yếu đuối và thất bại” ở con cái của họ, dù cuộc sống no đủ, không phải lo nghĩ về tiền bạc.
Hội chứng kế vị
Nội dung của Succession xoay quanh tỷ phú Logan Roy và những đứa con nhà Roy thèm khát quyền lực, mong muốn kế thừa đế chế của người cha siêu giàu. Sóng gió gia tộc xảy ra liên tiếp giữa những người anh em ruột thịt trong nhà, phản ánh những tăm tối sau ánh hào quang của một gia đình siêu giàu có.
Ngoài đời thực, những câu chuyện như vậy cũng không hề hiếm gặp, trở thành chủ đề luôn dễ dàng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Năm 2020, gia đình tỷ phú Rupert Murdoch (Mỹ) sở hữu khối tài sản 17 tỷ USD. Hai người con trai James và Lachlan được đánh giá là có khả năng tiếp nối sự nghiệp của cha. Cả hai tranh giành vị trí lãnh đạo tập đoàn thay cha, trước khi James Murdoch phải rời hội đồng quản trị.
Một trong những bê bối khó quên của gia tộc Ambani ở Ấn Độ à cuộc chiến thừa kế khốc liệt giữa tỷ phú Mukesh và em trai Anil.
Năm 2002, người cha Dhirubhai đã qua đời ở tuổi 69 mà không để lại di chúc khiến hai con trai tranh giành nhau quyền kiểm soát công ty trong nhiều năm. Cuối cùng, công ty đã được tách ra để mỗi người đảm nhận một phần. Tuy nhiên, sau đó, ông Anil nhiều lần lên tiếng chỉ trích, chửi bới anh trai Mukesh.
Gần nhất, Bernard Arnault, ông chủ của tập đoàn LVMH, vị tỷ phú thời trang có khối tài sản top đầu thế giới, đang lên kế hoạch để chuyển giao êm thấm tài sản cho các con mà không để xảy ra "nội chiến" giữa thành viên trong gia đình.
Theo giới truyền thông, vị tỷ phú hiểu rất rõ những cuộc chiến giành quyền thừa kế có thể nguy hiểm với nội bộ doanh nghiệp như thế nào. "Chuyển giao thế hệ là thời điểm dễ tổn thương nhất của các công ty gia đình", Raffi Amit, giáo sư Đại học kinh doanh Wharton, nhận xét về tình thế của LVMH.
Trọng tâm của kế hoạch này là thành lập một công ty cổ phần mới, nơi quyền kiểm soát được chia đều cho 5 người con của ông. CEO của LVMH hy vọng đây sẽ là công cụ giúp ngăn chặn sự chia rẽ giữa các con, bảo đảm gia đình ông có thể tiếp tục quản lý tập đoàn nhiều năm sau này.
Câu hỏi chưa có đáp án là ai trong 5 người con sẽ thay thế Arnault trong vai trò điều hành của LVMH.
Sự bỏ bê giàu có
Jan Gerber, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Paracelsus Recovery, đánh giá thành công của series Succession đã phơi bày những tác động phức tạp và có khả năng gây tổn hại khi xuất thân từ một gia đình cực kỳ thành đạt, có quyền thế.
Trong khi con cái của tầng lớp này lớn lên với nhiều đặc quyền, nhiều đứa trẻ phải chịu đựng điều mà các bác sĩ tâm thần gọi là “sự bỏ bê giàu có”, khi cha mẹ bận bịu làm ăn, vắng mặt trong những năm tháng tuổi thơ của đứa trẻ, nhất là ở khía cạnh tinh thần.
“Nhiều nhà giàu thường hoạt động giống như một doanh nghiệp hơn là một mái nhà thực sự, khiến việc gắn kết giữa các thành viên trở nên khó khăn. Đối với cả cha mẹ và con cái, các vấn đề nội bộ này có thể tạo tiền đề cho các tình trạng tồi tệ hơn".
Ví dụ như, nhiều cậu ấm, tiểu thư dễ đối mặt với một loạt vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc chứng nghiện ngập.
Trung tâm này cho biết thêm sự giàu có khiến một người có khả năng lạm dụng rượu cao hơn khoảng 27% và chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cũng phổ biến ở các bệnh nhân.
"Các dấu hiệu đặc trưng là lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách ái kỷ và đôi khi là các tình trạng khác như ám ảnh lưỡng cực, lạm dụng rượu và chất gây nghiện", Gerber cho biết thêm.
Theo nghiên cứu của Paracelsus Recovery, những đứa trẻ nhà giàu nhưng lớn lên thiếu vắng tình yêu thương sẽ ít có khả năng đồng cảm, đồng thời mơ hồ hơn về mặt đạo đức.
Đây là hệ quả của những tháng ngày cô độc, luôn mang cảm giác sợ hãi và nỗi áp lực vô hình phải vượt trội hơn người khác. Những cảm xúc đó châm ngòi cho việc đấu đá quyền lực không thương tiếc, tình thân giữa anh, chị, em trong nhà trở nên không quan trọng bởi vốn dĩ không có sự gắn kết.
“Mặc dù hội chứng này ảnh hưởng đến một bộ phận tương đối hẹp trong xã hội, những đứa trẻ nằm trong danh sách thừa kế hàng trăm triệu USD cho đến hàng tỷ USD này sẽ tiếp tục nắm giữ các vị trí quyền lực trong tương lai và có hàng nghìn nhân viên làm việc dưới trướng họ. Do đó, sức khỏe tinh thần của con cái nhà giàu cũng là vấn đề cần được quan tâm", Gerber nhấn mạnh.