Kể từ khi đại dịch bắt đầu, việc sử dụng máy bay phản lực tư nhân đã tăng vọt 20% và lượng khí thải đã tăng hơn 23%, theo một báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) và Patriotic Millionaires (hội Triệu phú yêu nước), những người thường xuyên thúc giục chính phủ để tăng thuế đối với chính họ.
Kalena Thomhave, một trong những tác giả của báo cáo, đã đặt ra thuật ngữ cho tai họa do những người siêu giàu gây ra trên bầu trời khi bay bằng chuyên cơ riêng là "Heir pollution" (tạm dịch: sự ô nhiễm của người thừa kế).
Theo đó, hơn 1/4 (26%) chủ sở hữu máy bay phản lực tư nhân "cực kỳ giàu có" trên thế giới được thừa kế toàn bộ hoặc một phần tài sản. Đây là những người thừa kế, hưởng lợi từ khối tài sản được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường là thông qua ủy thác.
Ô nhiễm của người thừa kế
Nhiều gia đình thượng lưu dùng máy bay phản lực tư nhân cho những chuyến du lịch của họ. Báo cáo lấy gia đình Mellon, gia tộc có tài sản ban đầu bắt nguồn từ việc thành lập Ngân hàng Mellon vào năm 1869, làm ví dụ.
Máy bay tư nhân là ví dụ tiêu biểu về điều tồi tệ nhất chúng ta có thể gây ra dưới quan điểm môi trường.
Theo báo cáo, máy bay tư nhân thải ra chất gây ô nhiễm nhiều hơn ít nhất 10 lần so với máy bay thương mại trên mỗi hành khách. Ước tính 1% số người giàu có nhất chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng khí thải carbon của ngành hàng không.
Nhưng điều đó dường như không quan trọng đối với những người siêu giàu
Thomhave và đồng tác giả báo cáo IPS, Omar Ocampo, nói với Fortune : "Những người cực kỳ giàu có coi thời gian của họ là kim cương, và lượng khí thải họ tạo rất lớn lại không nhất thiết ảnh hưởng đến họ".
Trên thực tế, bay riêng chỉ là một trong nhiều cách mà những người siêu giàu gây ô nhiễm hành tinh.
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Oxfam, trung bình mỗi năm, những người giàu nhất trong giới người giàu thải ra lượng khí cacbonic cao gấp 1 triệu lần so với 90% dân số toàn cầu.
Oxfam nhận thấy người giàu cũng có xu hướng đầu tư vào các công ty tạo ra nhiều khí thải hơn. Hàng năm, quy mô phát thải từ các khoản đầu tư của các tỷ phú bằng toàn bộ lượng khí thải carbon của Pháp.
Thomhave và Ocampo cho rằng máy bay phản lực tư nhân của người giàu "minh họa cho sự không công bằng trong hệ thống hiện tại của chúng ta": Các gia tộc giàu có hình thành khi những người giàu dành nguồn lực của họ để bảo vệ tài sản thừa kế của họ khỏi bị đánh thuế.
"Điều này dẫn đến nghĩa vụ đóng thuế ít hơn đối với những người cực kỳ giàu có, nhưng lại mang tới gánh nặng thuế nặng hơn cho phần còn lại trong chúng ta", Thomhave và Ocampo nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết nhờ nhiều cuộc tấn công của chủ sở hữu máy bay đối với thuế lũy tiến, một điều khoản đã được thông qua trong cuộc cải cách thuế năm 2017 cho phép họ xóa bỏ toàn bộ chi phí của một chiếc máy bay riêng.
Mặc dù điều khoản cụ thể đó sẽ hết hạn vào năm 2027, đó "chỉ là một ví dụ khác về chi phí kinh tế và môi trường của sự bất bình đẳng".
"Căn bệnh ung thư" của thời đại
Báo cáo lập luận về thuế bán hàng 10% đối với tất cả máy bay phản lực tư nhân đã qua sử dụng và thuế 5% đối với những chiếc mới sẽ tạo ra doanh thu 2,2 tỷ USD vào năm 2022. Báo cáo cũng ủng hộ một số cải cách khác, chẳng hạn đánh thuế nhiên liệu máy bay tư nhân và thuế đối với "các chuyến bay siêu ngắn".
Ngay cả những triệu phú là người thừa kế cũng tham gia cuộc đấu tranh này. Abigail Disney, cháu trai của Walt Disney và là thành viên của "Hội triệu phú yêu nước", từng gọi máy bay phản lực tư nhân là "căn bệnh ung thư".
Abigail Disney, một nhà từ thiện từ lâu đã tránh những cái bẫy khổng lồ trong khối tài sản thừa kế của mình, cho biết cô hiểu rằng một số người rất giàu có bay riêng vì những lo ngại về quyền riêng tư và an toàn.
Nhưng cô nói rằng họ cũng có thể bay hạng thương gia trên các chuyến bay thương mại, giống như cách cô vẫn làm: "Tôi không thấy điều đó có gì khó khăn quá mức".
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, Disney cho biết cô đã quyên góp khoảng 70 triệu USD tài sản cá nhân của mình kể từ khi bước sang tuổi 21 và rằng cô ấy sẽ ủng hộ luật cấm máy bay phản lực tư nhân.
Tháng 1 năm nay, cô đã đăng dòng tweet cho biết sẽ cắt giảm tất cả chuyến du lịch bằng máy bay: "Tôi đang cân nhắc mỗi chuyến đi trên thước đo chi phí cá nhân và lợi ích xã hội, kể từ bây giờ".