Các mô hình chỉ ra giá xăng chi phối suy nghĩ của người Mỹ về nền kinh tế và thậm chí là mức độ tín nhiệm với tổng thống. Ảnh: Reuters.
Theo dữ liệu của AAA Gas Prices, giá xăng hạng thường trung bình tại Mỹ hiện là 3,8 USD/gallon, giảm mạnh từ mức kỷ lục hơn 5 USD/gallon hồi tháng 6, nhưng vẫn cao hơn 1,4 USD/gallon so với thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Đáng nói, theo Wall Street Journal, giá dầu diesel đã ở trên ngưỡng 5 USD/gallon trong gần một tháng. Tồn trữ dầu diesel cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Theo kết quả cuộc thăm dò được Đại học Quinnipiac công bố vào tuần trước, hơn 50% người Mỹ cho rằng giá xăng và hàng hóa tiêu dùng là vấn đề kinh tế mà họ lo lắng nhất hiện nay.
Để so sánh, chỉ 25% lo ngại về giá mua và thuê nhà.
Khi giá xăng tăng lên, tỷ lệ người Mỹ tin rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng giảm đi và ngược lại. Ảnh: New York Times.
Vấn đề đáng lo ngại
Ông chủ Nhà Trắng vẫn đang nỗ lực xoa dịu người Mỹ. Ông thường xuyên đăng tải những thông tin về việc giá xăng sụt giảm, và thúc giục các công ty dầu khí tăng cường sản lượng.
Ngày 8/11, người Mỹ sẽ bỏ phiếu để bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện. Cuộc bầu cử giữa kỳ cũng được coi là đợt đánh giá tổng thống đương nhiệm.
Các mô hình nghiên cứu chỉ ra sức mạnh của xăng dầu trong việc chi phối cách người Mỹ nghĩ về hoàn cảnh cá nhân, về nền kinh tế và thậm chí rộng hơn là về tình hình quốc gia.
Khi giá xăng quay đầu giảm vào tháng 9, tỷ lệ người Mỹ cho rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng đã tăng lên. Và mức độ tín nhiệm đối với Tổng thống Joe Biden nhờ đó cũng cải thiện.
Sự cân bằng cung - cầu đối với dầu, xăng và dầu diesel sẽ không bao giờ trở lại như mức trước đại dịch
Ông Patrick De Haan - Trưởng bộ phận Phân tích xăng dầu của công ty theo dõi GasBuddy
Nói trên Twitter hôm 4/11, ông Biden cho biết giá xăng đã giảm 24% trong 20 tuần qua.
Để hạ nhiệt giá nhiên liệu, chính quyền ông Biden đã bán ra hàng trăm triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Nhưng các chuyên gia cho rằng những động thái này sẽ không có tác động lớn đến giá cả.
Washington cũng thất bại trong việc thúc giục các nhà sản xuất dầu của Mỹ đẩy mạnh tái đầu tư, thay vì tăng tỷ lệ chi trả cổ tức.
Cú sốc giá xăng dầu góp phần làm lạm phát bào mòn sức mua của người Mỹ. Các yếu tố thúc đẩy giá nhiên liệu tăng cao bao gồm nhu cầu phục hồi sau đại dịch, sự xáo trộn trên thị trường xăng dầu toàn cầu kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, hàng loạt nhà máy lọc dầu bị đóng cửa trong thời kỳ đại dịch. Tất cả diễn ra trong bối cảnh đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí lao dốc.
"Sự cân bằng cung - cầu đối với dầu, xăng và dầu diesel sẽ không bao giờ trở lại như mức trước đại dịch", ông Patrick De Haan - Trưởng bộ phận Phân tích xăng dầu của công ty theo dõi GasBuddy - bình luận.
Khan hiếm dầu diesel
Theo giới phân tích, giá xăng đã ổn định trong những tuần qua, một phần nhờ các nhà máy lọc dầu kết thúc đợt bảo trì vốn đã làm giảm công suất. Tuy nhiên, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 28/10, tồn kho xăng vẫn thấp hơn 7,6% so với một năm trước đó.
Nhu cầu tiêu thụ xăng sẽ giảm bớt vào mùa đông bởi các tài xế hạn chế ra đường. Tuy nhiên, dự trữ dầu diesel và dầu sưởi đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/1951, theo dữ liệu của EIA.
Tình trạng cạn kiệt kho dự trữ ở vùng Đông Bắc rất nghiêm trọng, bởi khu vực này phụ thuộc vào dầu diesel và dầu sưởi để sưởi ấm. Tác động cũng lan đến các thị trường tại Đông Nam nước Mỹ.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu diesel là cơn khát toàn cầu. Trước đây, khoảng 400.000 thùng dầu diesel được đưa từ Nga sang các nước châu Âu mỗi ngày. Nhưng dòng chảy này giờ đã bị chặn đứng.
Thêm vào đó, theo ông John Auers - chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn RBN Energy, những yêu cầu toàn cầu về khí thải mới cũng khiến các tàu phải sử dụng nhiều dầu diesel hơn.
Trong khi đó, theo công ty tư vấn Rystad Energy, công suất sản xuất nhiên liệu ở châu Âu và Mỹ đã giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày so với mức trước đại dịch.
Còn theo ông Roger Read - chuyên gia phân tích cấp cao tại Wells Fargo & Co., một yếu tố khác kéo tồn kho nhiên liệu của Mỹ đi xuống là việc các nhà máy lọc dầu tăng cường xuất khẩu nhiên liệu.
Trong một cuộc họp vào tháng 9 với các giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ, Chính phủ Mỹ cảnh báo rằng nếu họ không tăng cường lấp đầy kho dự trữ trong nước, Washington có thể hạn chế xuất khẩu dầu mỏ.
Còn theo các doanh nhân trong ngành, động thái đó sẽ đè nặng nguồn cung toàn cầu và đẩy giá nhiên liệu trong nước tăng cao hơn nữa.