Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz và Công ty TNHH CJ Vina Agri vừa có thông báo, kể từ ngày 1/7, hai đơn vị này sẽ tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ 300-400 đồng/kg (tùy loại).
Ngoài hai đơn vị trên, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác cũng đã gửi thông báo tăng giá đến các đại lý. Lý do được các công ty đưa ra là tình hình giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng đều trong thời gian vừa qua. Như vậy, đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 6 trong năm nay và là lần thứ 17 kể từ năm 2020 đến nay.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho hay, với đợt tăng giá này, như vậy, bình quân từ đầu năm 2022 đến nay, mỗi tháng có một lần điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, trong đó, tháng 1 là tháng chuẩn bị Tết Nguyên đán các doanh nghiệp không tăng giá nhưng tháng 5/2022 các công ty tăng 2 lần.
Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã đẩy người nông dân vốn ở trong tình thế khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, bởi giá lợn hơi thời gian gần đây vẫn đang ở mức thấp, dao động trong khoảng từ 52.000 – 61.000 đồng/kg tùy khu vực. Nếu tính theo giá thức ăn hiện tại thì giá thành chăn nuôi lợn phải trên 60.000 đồng/kg, nếu bán dưới mức giá này bao nhiêu thì người chăn nuôi lỗ bấy nhiêu.
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giải pháp để kiểm soát, đồng thời giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong thời gian tới là, tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng giá đột biến gây thiệt hại cho người sản xuất.
Đồng thời, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi; trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Đoán, trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, chắc chắn giá nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ tăng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta hiện vẫn chưa có câu trả lời khi nào giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm, hay liệu sẽ có đợt điều chỉnh tăng giá tiếp theo.
Về giải pháp sử dụng thức ăn tận dụng, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, việc này chỉ có thể áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng cũng không thể trụ lâu. Còn đối với các hộ nông dân chăn nuôi theo quy mô công nghiệp thì buộc phải sử dụng thức ăn công nghiệp.
"Về giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ tại từng địa phương để giảm bớt chi phí, tuy nhiên, đây không phải là số nhiều, vì việc này đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, các nguồn nguyên liệu thức ăn an toàn, khi đó, thức ăn tự trộn sẽ tiếp kiệm được chi phí, nếu không sẽ mang bệnh cho vật nuôi" - ông Nguyễn Kim Đoán cho biết thêm.
Là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất, trong đó, 70% nguyên liệu sản xuất TACN phụ thuộc vào nhập khẩu... đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất.