Bào mòn lợi nhuận của người nông dân
Với 6ha trồng cà phê, bà Nguyễn Thị Phương tại làng Le 2, xã Y a Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết, trong khi làm ra được ra quả cà phê đã rất khó khăn thì bà con trồng cây cà phê còn đối mặt với tình trạng đầu ra bị tư thương ép giá, trong khi đó, chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao. Cụ thể, giá phân bón chất lượng dao động trong khoảng 950.000 đồng/bao đến 1.200.000 đồng/bao loại 50kg khiến những người nông dân trồng cà phê gặp nhiều khó khăn.
“Bà con ở đây đồng tiền rất khó khăn và cứ phải bán lúa non, đến khi được thu hoạch, thu được tiền về thì trả nợ hết tiền chi phí, khó khăn lại theo đuổi. Chúng tôi chỉ mong làm thế nào để có đầu ra ổn định, cân đối với giá phân bón, nguyên vật liệu mà mình phải dùng đến”, bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến bà con rất khó khăn. Giá cao thì bà con tiết kiệm lại, phân thì không có hàng để mua, buộc phải giảm lượng phân bón. Cây cà phê bị đầu tư kém đi so với những năm trước. Giá cà phê có tăng một chút, nhưng thu nhập so với các năm thì không tăng, vì giá vật tư đầu vào cao.
Theo nhiều nhà vườn, từ đầu 2021 tới nay, giá cả của nhiều vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xăng dầu đều liên tục tăng cao. Trong đó, các thuốc bảo vệ thực vật tăng giá từ 15 đến 30%. Riêng phân hoá học, có nhiều loại tăng giá gấp đôi. Điều này khiến chi phí bón phân đối với mỗi ha cà phê, hồ tiêu bị tăng lên cả chục triệu đồng.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực chăn nuôi, hàng loạt các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lại vừa có đợt thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi vào cuối tháng 5/2022. Đợt này, giá các loại thức ăn chăn nuôi lại tăng thêm từ 300 đồng đến 400 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, thức ăn chăn nuôi đã có 6 đợt điều chỉnh tăng giá. Hiện 1 bao thức ăn chăn nuôi loại 25kg đã tăng thêm từ 45.000 đến 50.000 nghìn đồng/kg.
Như vậy, từ năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá khiến mặt hàng này nằm trong top đầu các nhóm hàng có mức tăng giá nhiều lần nhất và cao nhất. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy giá thành chăn nuôi lên cao hơn nhiều so với trước khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Ở góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho hay, để nuôi lợn thịt đạt trên dưới 100kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng), điều này có nghĩa 1 tạ lợn hơi người chăn nuôi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, ngoài ra các chi phí khác tối thiểu phải cộng thêm 10% giá trị của con lợn nữa. Như vậy, chi phí nuôi mỗi con lợn sẽ phải cộng thêm khoảng tầm 200.000 đồng. Trong khi đó, với giá lợn hơi hiện nay trung bình khoảng 55.000 đồng/kg sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Nếu người chăn nuôi chủ động được con giống mà không phải mua thì mức giá lợn hơi hiện nay chỉ tương đương với giá thành sản xuất, còn nếu người chăn nuôi phải mua con giống thì sẽ lỗ vốn.
Phụ thuộc vào nhập khẩu
Tại báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá phân bón tăng cao, như phân Urê tăng 136% đến 143%, DAP tăng 143% đến 164%, Kali tăng 180% đến 200% so với tháng 12 năm 2021. Giá thuốc thuốc bảo vệ thực vật tương đối ổn định, chỉ tăng giá ở nhóm hoạt chất thuốc trừ cỏ không chọn lọc và thuốc trừ sâu.
Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 30% đến 35% so với tháng 12/2021. Sản xuất thuốc, vắc xin thú y gặp nhiều khó khăn hơn. Giá dầu diesel 0.05S tăng trên 8.000 đồng/lít, làm cho chi phí nhiên liệu cho khai thác tăng thêm 2.640 tỷ đồng/tháng; cộng thêm giá các mặt hàng khác tăng theo 10% đến 20%, kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao. Giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao làm chi phí sản xuất và giá sản phẩm nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản.
Lý giải về giá vật tư, nguyên liệu liên tục tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, do nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 từ năm 2019, xung đột quân sự Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và đẩy giá vật tư tăng cao; dẫn đến nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất trong nước tăng và làm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, sẽ kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - cho rằng, việc giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp. Đây cũng là cách giảm chi phí. Bên cạnh đó, người nông dân có thể vào HTX mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. "Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp", ông Lê Minh Hoan khẳng định.