Nghe điện thoại mất ngay 7 tỷ đồng
Cuối năm 2017, một kế toán họ Lý ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng thu sẵn, nói rằng cô Lý bị cưỡng chế do nợ tiền, để biết thêm thông tin hãy nhấn nút “8”. Sau khi cô nhấn nút “8” thì vang lên tiếng của một người đàn ông, nói rằng thẻ ngân hàng cô đứng tên ở thành phố Vũ Hán đang bị nghi ngờ là rửa tiền do nhiều người tố cáo. Kế toán họ Lý được khuyên nên gọi cho cảnh sát để tìm hiểu xem thông tin cá nhân của mình có bị lộ hay không.
Người đàn ông này cũng cho cô biết số điện thoại cố định của Văn phòng cảnh sát ở Vũ Hán. Cô Lý rất sửng sốt khi nghe cuộc gọi này nhưng cô vẫn chưa tin lắm, lập tức gọi điện để xác nhận. Khi cô gọi điện, một người đàn ông tự xưng là cảnh sát thuộc Đội điều tra kinh tế của Cục Cảnh sát nói rằng kế toán Lý có liên quan đến tội phạm kinh tế và có lệnh truy nã tên cô.
Chất giọng đanh thép của người đàn ông này khiến cô Lý có phần hoảng sợ. “Cảnh sát tự nhận” yêu cầu cô cung cấp thông tin của tất cả các tài khoản ngân hàng do cô đứng tên và chuyển số tiền trong đó vào “tài khoản an toàn” được chỉ định để cơ quan chức năng xác mình. “Nếu không làm theo, những tài khoản này sẽ bị đóng băng và cô sẽ bị bắt”, đầu dây bên kia nhấn mạnh.
Cô Lý lập tức chuyển 2,1 triệu NDT (gần 7 tỷ đồng) vào 5 số tài khoản cung cấp. Chỉ đến 11h sáng hôm sau, cô mới bình tĩnh nhận ra mình bị lừa. Kế toán này ngay lập tức đến trực tiếp Văn phòng Cảnh sát địa phương để trình báo vụ việc.
Lực lượng cảnh sát xác định số tiền bị lừa đảo được chuyển vào 5 tài khoản ảo, sau đó chuyển tới 3 tài khoản trên các nền tảng thanh toán trực tuyến như Alipay, Kuaiqian, rồi phân ra 100 tài khoản ngân hàng trên toàn Trung Quốc và vẫn tiếp tục chuyển hướng. Số tiền lừa đảo của nạn nhân được xác định chuyển qua ít nhất 10 tài khoản khác nhau.
Cảnh sát đã lần theo dấu vết và phát hiện ra rằng một khoản tiền trị giá 270.000 NDT (gần 900 triệu đồng) được chuyển vào một tài khoản ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Sau đó, các điều tra viên bắt được nghi phạm họ Trương vào tháng 2/2018.
Người này khai “trùm” trong đường dây lừa đảo xuyên biên giới này tên Thảo Mỗ Xương, hiện đang ở Đài Loan (Trung Quốc) còn phần lớn thành viên đường dây lại ở Campuchia. Đến cuối tháng 4/2018, ông trùm lừa đảo họ Thảo và 2 nghi phạm khác cũng bị bắt, đưa ra xét xử.
Vì sao nhiều người dễ bị lừa bằng chiêu thức giả danh?
Chiêu thức lừa đảo bằng cách giả danh, đặc biệt là giả danh cảnh sát đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy” vì sự tinh vi của kẻ xấu. Kịch bản phổ biến là gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như gây tai nạn, lừa đảo, rửa tiền,…
Khi nạn nhân khẳng định mình không phải tội phạm thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra”, dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của mình.
Kẻ xấu thường xuyên dùng những câu nói nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đe dọa nếu nạn nhân không làm theo yêu cầu sẽ “bị bắt”, “khóa tài khoản ngân hàng”, “truy nã”.
Dù chiêu thức này rất quen thuộc nhưng lại đánh trúng vào tâm lý sợ hãi rắc rối pháp lý của mọi người, nôn nóng muốn chứng minh mình vô tội. Kể cả với những người có kinh nghiệm, làm công việc liên quan tới quản lý tiền, sổ sách như kế toán trong trường hợp của cô Lý cũng không tránh được phút giây hoảng sợ, hoang mang, bị thao túng dẫn đến việc chuyển tiền cho kẻ xấu.
Trên thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát và tư pháp sẽ không sử dụng điện thoại để điều tra và xử lý tội phạm bị tình nghi, cũng không gửi “lệnh tạm giam”, “lệnh bắt giữ” hay “lệnh truy nã” một cách không trực tiếp.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương. Đồng thời lực lượng này cũng không bao giờ yêu cầu chụp ảnh bạn để xác minh danh tính hay yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Nếu nhận được cuộc gọi của người lạ yêu cầu chuyển tiền bạn phải đề cao cảnh giác với giọng điều đe dọa, bình tĩnh để xem xét việc đe dọa này có căn cứ hay không. Bạn cũng có thể cúp điện thoại ngay, liên hệ kịp thời với gia đình hoặc cơ quan Công an gần nhất để sớm vạch trần thủ đoạn lừa đảo, tránh mất mát tài sản.
Mật khẩu thẻ ngân hàng, mã xác nhận OTP là cách bảo mật tài chính quan trọng nên chắc chắn bạn không nên dễ dàng nói cho người lạ biết. Bên cạnh đó, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như: bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không ấn vào những đường link giả mạo và chuyển tiền cho các đối tượng dưới bất kỳ hình thức nào.