Năm 2022, công ty Thanh Ngọc (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) có chuyến đi 3 ngày 2 đêm đến Phú Quốc.
Nơi Ngọc làm việc chuyên phân phối linh kiện điện máy, có nhiều đối tác tại nước ngoài. Năm trước, kỳ nghỉ mát tập thể được tổ chức trùng thời điểm dự án cô đảm nhiệm đang ở giai đoạn thương thảo, ký kết.
"Đồng nghiệp ở nhiều phòng ban, phụ trách nhiều giai đoạn khác nhau, nghĩa là có thể mọi người đã xong việc, còn tôi thì chưa. KPI còn chồng chất, tôi chỉ muốn làm cho xong", cô kể lại với Zing.
Giống với Thanh Ngọc, nhiều nhân sự khác cũng phải ôm đồm công việc trong chính buổi du lịch, team building cùng công ty của mình. Họ thường làm việc ở những bộ phận có tính chất hợp tác cùng đơn vị nước ngoài, chăm sóc khách hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ, truyền thông hoặc quảng cáo. Yêu cầu công việc đòi hỏi mỗi nhân viên phải làm việc hoặc thay nhau trực xuyên suốt.
Bên cạnh đó, một số nhân sự chủ động “ôm” máy tính trong buổi team building do còn nhiệm vụ tồn đọng, chưa thể giải quyết từ trước chuyến đi. Họ lựa chọn biến nơi nghỉ dưỡng thành văn phòng, gia tăng năng suất làm việc.
Team building thành nơi làm việc
Vừa đặt chân xuống máy bay, trong khi chờ đồng nghiệp lấy hành lý, Thanh Ngọc mang laptop ra một góc riêng để trả lời email từ đối tác, gửi đi các tài liệu.
Sau đó, suốt chuyến đi, dù ở bãi biển, nhà hàng hay điểm tham quan, cô đều liên tục kiểm tra điện thoại, máy tính. Đặc biệt, trong buổi tiệc tối cùng công ty, cô cũng phải mở laptop để họp cùng đối tác do trái múi giờ.
“Chúng tôi thường báo lịch nghỉ với khách hàng nước ngoài vào những kỳ nghỉ lễ, Tết truyền thống của Việt Nam. Còn trong những dịp nghỉ dưỡng cá nhân, tôi ngại khi bắt họ phải chờ đợi mình”, Ngọc lý giải.
Trần Thanh (22 tuổi, Hà Nội) và cả bộ phận marketing vẫn phải mang theo laptop để thay nhau trực nội dung fanpage, phản hồi khách hàng trong chuyến du lịch 3 ngày cùng công ty đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
Trước đó, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhân viên này cũng làm việc như bình thường.
“Tôi luôn mang theo máy tính và sạc pin. Ca trực của nhóm này nối với nhóm kia. Công việc của các thành viên cũng liên quan đến nhau”, cô nói.
Thanh thú nhận khó hoàn thành nhiệm vụ vì bị ảnh hưởng bởi các hoạt động ăn uống, vui chơi huyên náo. Chưa kể, tín hiệu và mạng Internet trên đảo khá chập chờn, khiến cô nhiều lần phải bỏ dở công việc.
Trách nhiệm từ quản lý
Nghe cấp lãnh đạo nói về lịch trình chuyến team building được tổ chức vào đầu tháng 6 đến Quảng Bình, Nguyễn Quốc (35 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhanh chóng thông báo tới bộ phận mà mình quản lý.
Công ty anh có chính sách khuyến khích toàn bộ nhân sự cùng tham gia hoạt động tập thể, cho phép giảm tải nhiệm vụ vào buổi vui chơi. Dẫu vậy, tất cả đội, nhóm vẫn phải hoàn thành lượng công việc tối thiểu nhằm duy trì bộ máy vận hành.
“Tôi phụ trách mảng công nghệ phần mềm tại công ty. Còn khoảng 2 tuần nữa là tới chuyến du lịch, tôi phân công từng nhân viên kiểm tra đầu mối, hạng mục họ nắm giữ để không xảy ra lỗi, gây ảnh hưởng hệ thống chung”, anh nói với Zing.
Theo quản lý này, hoạt động team building là phúc lợi dành cho nhân sự, anh không muốn ai phải làm việc trong những ngày này. Anh nhận trách nhiệm là người mang theo máy tính nhằm có thể khắc phục các lỗi đột xuất.
Đây không phải năm đầu tiên quản lý này làm như vậy. Anh cho biết nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước hành trình, anh gần như không phải mở laptop một lần nào.
Chuẩn bị trước chuyến đi - đó cũng là giải pháp của Ngọc Ánh (TP.HCM), quản lý truyền thông của một hãng nội thất, khi cùng bộ phận tham gia các dịp team building kéo dài 2-3 ngày.
Cụ thể, trước chuyến đi chơi, cô sẽ trao đổi trước với cấp dưới về những đầu việc cần làm trước. Nhờ vậy, nhân viên có thể hạn chế mang laptop theo, đồng thời đảm bảo mọi thứ vẫn diễn ra bình thường lúc cả công ty vắng mặt.
“Một số nhân viên của tôi vẫn mang máy tính theo để dự phòng. Điều này xuất phát từ tâm lý chưa yên tâm, nhưng cũng rất hữu ích nếu có việc đột xuất xảy ra”, Ánh cho hay.
Trong trường hợp có sự cố bất ngờ trong chuyến du lịch, cô và cả nhóm sẽ cùng giải quyết để đẩy nhanh tiến độ, tránh để một người xử lý vì sẽ khiến họ cảm thấy lạc lõng, tủi thân.
Trong khi đó, Phạm Bình (TP.HCM), Giám đốc vận hành một trung tâm giảng dạy marketing, cho rằng nhiều nhân sự của anh vẫn phải làm việc trong buổi team building vì không sắp xếp, hoàn thành được hết công việc trước kỳ nghỉ.
Một số người khác lại luôn đem laptop theo để làm việc như một thói quen, sợ công việc xảy ra đột xuất.
Theo Bình, team building là quyền lợi công ty dành cho nhân viên để thể hiện sự trân trọng những đóng góp của họ với tổ chức nên các cấp lãnh đạo thường không tạo áp lực công việc trong những ngày này. Song, cấp quản lý bộ phận nên có các hành động thiết thực hơn để động viên nhân sự tận hưởng kỳ nghỉ.
“Tôi thường xuyên thúc giục nhân viên cố gắng hoàn thành công việc trước kỳ nghỉ hoặc phân bổ các đầu việc cần giải quyết theo cấp độ, việc quan trọng làm trước, các việc khác xử lý sau khi về”, anh cho hay.
Ngoài ra, Bình cũng khuyến khích nhân viên cài đặt email trả lời tự động, thông báo tới khách hàng về kỳ nghỉ để không bị làm phiền suốt chuyến đi.
Trong trường hợp bất khả kháng, nhân sự hoàn toàn có thể chia sẻ những khó khăn về thời gian, các đầu việc chưa hoàn thành cho quản lý được biết, từ đó cùng nhau tìm cách giải quyết phù hợp hơn như phân bổ lại nhân sự, lùi hạn deadline, hỗ trợ nhân viên đẩy nhanh tiến độ…