Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt 7,5%, cùng với đó lạm phát sẽ ở mức 3,8%. Với dự báo này, tăng trưởng GDP vượt mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra, còn lạm phát trong tầm kiểm soát dưới 4% theo đúng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thiếu vững chắc và chịu tác động bởi những yếu tố từ bên ngoài cũng như nội tại nền kinh tế.
Trong đó, về những yếu tố từ bên ngoài, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và gần đây là căng thẳng Mỹ - Trung Quốc dự báo sẽ làm trầm trọng thêm giá cả hàng hóa và chuỗi cung ứng, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, những thách thức nội tại của nền kinh tế Việt Nam được WB chỉ ra tại cập nhật báo cáo mới nhất công bố ngày 8/8, bao gồm: Thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát tăng cao và rủi ro về tài chính…
Nói về những thách thức của kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng, áp lực lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 36,71%.
Từ những thách thức trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra quan điểm điều hành kinh tế trong thời gian tới, đó là triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong ngắn hạn tại Nghị quyết 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình phòng, chống dịch Covid-19… cùng với đó chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Trong đó nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới, việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chủ động theo dõi diễn biến trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, kinh nghiệm thế giới và bài học của Việt Nam trong thời gian qua cũng cho thấy, chỉ một sai lầm của chính sách cũng khiến nền kinh tế phải trả giá đắt để điều chỉnh "căn bệnh" bất ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, xét về trung hay dài hạn, thì ổn định kinh tế vĩ mô chính là "chìa khóa" quan trọng để Việt Nam ổn định tăng trưởng. Đây là công việc thường xuyên phải làm, nhưng giai đoạn hiện nay lại càng phải quan tâm nhiều hơn.