"Tôi cân nhắc dùng tu chính án 14. Nhưng nó có thể vướng phải kiện tụng và trong thời gian đó, nếu không mở rộng (trần nợ - PV), mọi chuyện vẫn sẽ như cũ", ông Biden nói.
Tu chính án 14 quy định "tính hợp lệ của khoản nợ công, được pháp luật cho phép, sẽ không thể bị nghi ngờ". Nếu viện dẫn quy định này, ông Biden có thể tuyên bố giới hạn nợ là vi hiến, từ đó Mỹ có thể vay thêm tiền ngay cả khi mức trần nợ không được nâng lên, theo Washington Post.
Rebecca Zietlow, giáo sư tại Đại học Luật Toledo, cho biết đây là lập luận chấp nhận được về mặt hiến pháp, và là lập luận vững chắc để giải quyết vấn đề trần nợ. Tuy vậy, vì việc viện dẫn tu chính án 14 cho trường hợp này chưa từng có tiền lệ, nhiều chuyên gia và cố vấn Nhà Trắng lo ngại nó có thể để lại hậu quả pháp lý và kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 7/5 nói rằng việc dùng tu chính án 14 để vượt qua trần nợ và vay thêm tiền có thể dẫn đến khủng hoảng hiến pháp.
Ông Biden nói rằng một khi Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ giải quyết vấn đề nâng trần nợ, ông sẽ xem xét có thể kích hoạt Tu chính án 14 hay không, Hill đưa tin.
Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối từ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. "Nếu bạn là tổng thống và sử dụng Tu chính án 14 trong trường hợp này, tôi nghĩ bạn đã thất bại khi làm việc với hai đảng cũng như với người trong chính nhóm của bạn", ông nói.
Bà Janet Yellen nói Mỹ có thể vượt trần nợ vào đầu tháng 6 nếu quốc hội không hành động, khi đó đất nước sẽ vỡ nợ. Điều này có thể dẫn đến tăng lãi suất, nguy cơ mất việc làm, thị trường chứng khoán sụt giảm, cùng nhiều hậu quả khác.