Trong cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan, VKSND Tối cao xác định cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường và nhiều nguyên cán bộ Công ty Cửu Long là những người có liên quan.
Theo VKS, năm 2006, Công ty Dược Cửu Long thực hiện đơn đặt hàng của Bộ Y tế, nhập khẩu 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore) để sản xuất thuốc Oseltamivir dùng trong phòng chống dịch cúm A (H5N1).
Quá trình hợp tác với phía Mambo, cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long Lương Văn Hóa cùng nhiều thuộc cấp đã lợi dụng chức vụ, giữ lại 3,8 triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế. Việc làm này gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước.
Ngày 13/8/2008, ông Cao Minh Quang được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir dự trữ phòng chống cúm A. Sau đó, ông Quang ủy quyền cho ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Quản lý Dược) chủ trì họp để đề nghị Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra quá trình thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc phòng dịch cúm A.
Ngày 5/11/2008, Cục Quản lý Dược có tờ trình gửi ông Trương Quốc Cường (khi đó là cục trưởng đơn vị này) về dự thảo kế hoạch kiểm tra nội dung trên. Theo cáo buộc, ông Cường đã bút phê nội dung: "Cục Quản lý Dược cử ông Nguyễn Việt Hùng làm trưởng đoàn kiểm tra". Nội dung kiểm tra toàn bộ hồ sơ mua nguyên liệu của 4 đơn vị trong nước, trong đó có Dược Cửu Long.
Làm việc với đoàn thanh tra, ông Lương Văn Hóa đã báo cáo về việc Dược Cửu Long còn nợ nhà cung cấp nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD. Đồng thời, bị can cung cấp bản photo thư giãn nợ, nhưng chỉ có chữ ký, con dấu, không thể hiện ý kiến Công ty Mambo.
Quá trình làm việc, ông Nguyễn Việt Hùng đã không yêu cầu Dược Cửu Long đưa bản chính thư giãn nợ, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính. Bị can này cũng không chỉ đạo xem xét, rà soát điều khoản giảm giá trong hợp đồng giữa Bộ Y tế và Công ty Cửu Long, để đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng, hạch toán đối với số tiền hơn 3,8 triệu USD.
Đến ngày 15/12/2008, ông Nguyễn Việt Hùng ký phiếu trình gửi ông Trương Quốc Cường về kết quả kiểm tra và dự thảo báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Thủ tướng. Nhận được văn bản, ông Cường bút phê chỉ đạo: “Ủy quyền cho anh Hùng trực tiếp kiểm tra và báo cáo”. Từ đó, ông Hùng đã ký báo cáo xác định Dược Cửu Long còn nợ nhà cung cấp nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD, trong khi chưa có cơ sở xác định công ty này còn nợ hay không.
Cũng theo VKS, ngày 13/2/2009, sau khi nhận được công văn của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra khoản tiền 3,8 triệu USD này, ông Cao Minh Quang bút phê vào văn bản đề nghị ông Trương Quốc Cường và Cục Quản lý Dược tổng hợp ý kiến của đoàn kiểm tra về các nội dung liên quan công ty dược.
Ngày 18/2/2009, ông Cường tiếp tục bút phê vào tờ trình trên với nội dung: "Anh Việt Hùng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Minh Quang". Một tuần sau đó, bị can Lương Văn Hóa ký công văn báo cáo Bộ Y tế rằng Dược Cửu Long sẽ hoàn tất thanh toán tiền mua nguyên liệu chậm nhất đến ngày 20/3/2009.
VKS xác định ông Cao Minh Quang biết Công ty Dược Cửu Long chưa thanh toán hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo. Trong khi đó, Bộ Y tế đã trả toàn bộ gần 144 tỷ đồng theo hợp đồng với phía Cửu Long. Như vậy, ông Quang đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, để cho Dược Cửu Long giữ lại hàng triệu USD, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đối với ông Trương Quốc Cường, cáo trạng nêu vị cựu Cục trưởng Quản lý Dược là người nhận văn bản của Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra tài chính đối với Dược Cửu Long. Song ông Cường đã giao cho Nguyễn Việt Hùng trực tiếp báo cáo ông Cao Minh Quang. Do đó, VKS không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cường trong vụ án này.
Hồi giữa tháng 5, ông Trương Quốc Cường đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù trong vụ buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh tại VN Pharma. Hiện, cựu Thứ trưởng Y tế đã kháng cáo bản án này.