Mỗi năm vào cuối năm và đặc biệt trong mùa tháng 7 âm lịch, thị trường xe ôtô thường trầm lắng hơn so với các thời điểm khác. Các đại lý thường phải tung ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng trong tháng "cô hồn".
Tuy nhiên trong năm nay, do tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện vẫn diễn ra phức tạp, nhiều hãng xe đã rơi vào tình trạng khan hàng.
Lượng xe không nhiều cũng dẫn tới việc nhiều khách hàng tại thị trường Việt Nam phải đặt cọc từ rất sớm, thậm chí sẵn sàng chi trả chi phí dạng "bia kèm lạc" để có xe trước tháng 7 âm lịch.
Chấp nhận "bia kèm lạc" tránh tháng Ngâu
Vì có nhu cầu mua xe Hyundai Santa Fe và lấy sớm trước tháng 7 âm lịch, anh Duy Tân (Gia Lai) đã tham khảo giá tại nhiều nơi. Nhân viên tư vấn kinh doanh tại một đại lý thông báo với anh rằng nếu muốn lấy xe gấp, mức giá phải trả sẽ chênh lên 50 triệu đồng.
Báo giá lăn bánh gửi tới anh Tân ghi rõ khoản chênh lệch 50 triệu đồng dưới dạng gói phụ kiện bắt buộc. Đây là hình thức "bia kèm lạc" phổ biến dành cho những khách mua muốn đẩy nhanh quá trình nhận xe.
Một khách hàng khác cũng chia sẻ trong một hội nhóm trên mạng xã hội khi muốn tìm mua mẫu xe tương tự đã được nhân viên tư vấn thông báo "cần mua thêm gói linh kiện bắt buộc trị giá hơn 100 triệu đồng nếu muốn nhận xe trong trước tháng 8".
"Vì nguồn cung cấp linh kiện lắp ráp hay xe nguyên chiếc đều nhỏ giọt nên khách hàng nếu cọc trước đều phải chờ đến đầu tháng 8 để bàn giao, nếu cọc sau sẽ phải đợi đến tháng 9 hoặc gần cuối năm", nhân viên tư vấn của đại lý xe tại TP.HCM nói với Zing.
Anh Võ Khoa (Tân Bình, TP.HCM) đã chuẩn bị đủ số tiền để mua chiếc Ford Everest thế hệ mới 2022. Tuy nhiên vì muốn được nhận xe trong tháng để tránh tháng cô hồn, anh vẫn phải vay thêm gần 140 triệu đồng vì "để được nhận xe sớm thì phải chịu chi phí 'bia kèm lạc' khá cao cao", anh Khoa chia sẻ.
Sát tháng cô hồn vẫn khan hàng
Theo ghi nhận của Zing, tình trạng khan hiếm ôtô vẫn đang diễn ra tại nhiều đại lý xe.
Trong khi đó, nhu cầu mua sắm và nhận xe trong tháng này lại tăng lên đáng kể vì khách hàng muốn tránh phát sinh giao dịch trong tháng 7 âm lịch, từ đó càng khiến nguồn cung trở nên thiếu hụt, đặc biệt là với các mẫu xe ăn khách.
Tại một showroom VinFast trên địa bàn TP.HCM, nhân viên tư vấn chia sẻ với Zing hiện tại không còn mẫu xe xăng nào có sẵn vì hãng đã ngừng nhận đơn hàng mới và chỉ sản xuất để trả các đơn hàng cũ. Bên cạnh đó, gần như cả showroom đều không có mẫu xe ôtô nào được trưng bày.
Thử liên hệ với một đại lý xe Kia tại TP.HCM, Zing được xác nhận mẫu xe Kia New Morning X-Line đang cháy hàng và không còn màu nào có sẵn.
Anh Thắng, nhân viên tư vấn tại hãng xe cho biết đa số các mẫu xe đều hiện không có sẵn. "Ở các dòng xe mới ra mắt như Kia New Morning GT-Line hay Kia New X-Line, khách hàng đều phải chờ khoảng một tháng, nhất là các màu xanh da trời, vàng chanh hoặc đỏ", theo anh Thắng.
Ngoài ra, khách còn được yêu cầu phải đặt cọc và chờ đợi nếu vẫn muốn mua Kia Morning. "Thời gian giao xe sẽ tầm từ tháng 9 đến tháng 10", nhân viên tại đại lý này cho biết thêm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhiều showroom xe tại khu vực quận 2 (TP.HCM). Showroom của Hyundai trên đường Lương Định Của thường xuyên trong tình trạng không có xe trưng bày, chỉ có xe bàn giao cho khách đã đặt trước.