Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km với quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư sơ bộ là 21.935 tỷ đồng và chia làm 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32 km cơ bản trên địa bàn địa phận tỉnh Khánh Hòa được giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản. Còn dự án thành phần 3 chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Rốt ráo để khởi công trong tháng 6
Theo phương án được phê duyệt, dự án thành phần 2 được đầu tư với tổng chiều dài gần 37 km, đi qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và các huyện M'Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Điểm đầu tại tại Km32+000 kết nối với điểm cuối dự án thành phần 1, thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối tại Km68+854,48 (trùng với Km69+500, điểm dự kiến kết thúc Dự án thành phần 2) kết nối với điểm đầu dự án thành phần 3 thuộc địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Vận tốc thiết kế 100km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 “Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế”, đoạn khó khăn châm chước với vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75m. Giai đoạn phân kỳ, dự án đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m. Các đoạn nền đường đào sâu tùy theo địa hình, địa chất từng đoạn thiết kế mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh.
Hạng mục đường gom, đường ngang, hoàn trả đường dân sinh sẽ được xây dựng với quy mô bề rộng nền đường 5m, bề rộng mặt đường 3,5m đường giao thông nông thôn loại B hoặc bề rộng nền đường 6m, bề rộng mặt đường 5m đường giao thông nông thôn loại A (khu vực miền núi); đoạn đi trùng đường hiện trạng, thực hiện hoàn trả theo quy mô đường hiện trạng.
Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án là hơn 10.436 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã bao gồm dự phòng) hơn 246 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 8.600 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 131 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác hơn 504 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 954 tỷ đồng.
Các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị để khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào tháng 6 tới, sớm góp phần kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.
Theo lộ trình đặt ra, công tác chuẩn bị đầu tư dự án thực hiện từ năm 2022. Dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, hoàn thành tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Nhiều vướng mắc vẫn 'cản' tiến độ dự án
Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk đang tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 1 và 3.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã gặp một số vướng mắc cần sớm được giải quyết để hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.
Cụ thể, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 còn 6 vấn đề chưa thống nhất giữa địa phương và Bộ Giao thông vận tải, trong đó, nổi lên là những vướng mắc liên quan đến dự án BOT Quốc lộ 26 và quy mô nút giao cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Quốc lộ 26.
Cụ thể, sau khi tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đưa vào khai thác, việc kết nối liên vùng, các hoạt động giao thương hàng hóa, du lịch từ các tỉnh Tây Nguyên đến Khánh Hòa và ngược lại sẽ dựa trên tuyến đường này. Còn tuyến Quốc lộ 26 chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối các huyện, thị xã dọc theo tuyến.
Do đó, "lưu lượng và doanh thu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, sụt giảm nhiều, tác động rất lớn đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn cho dự án BOT Quốc lộ 26", UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá.
Ngoài ra, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1, nút giao cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối với Quốc lộ 26 cũng đang bị ảnh hưởng bởi dự án BOT Quốc lộ 26.
Cuối năm 2022, Bộ Giao thông vận tải có văn bản thống nhất hình thái nút giao hoàn chỉnh dạng kim cương; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vượt Quốc lộ 26 với 4 nhánh kết nối, giai đoạn 1 chỉ đầu tư xây dựng nút giao trực thông cao tốc vượt Quốc lộ 26 bằng cầu vượt để không gây ảnh hưởng đến dự án BOT Quốc lộ 26, giai đoạn 2 sẽ đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của khu vực thị xã Ninh Hòa nói riêng, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh theo hình thái đã được thống nhất.
Rõ ràng, ảnh hưởng của dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đến dự án BOT Quốc lộ 26 là rất lớn, có nguy cơ làm phá vỡ phương án tài chính và khả năng hoàn vốn cho dự án BOT Quốc lộ 26.
Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư như phương án của Bộ Giao thông vận tải đưa ra lại ảnh hưởng đến mục tiêu tạo tính liên kết với mạng lưới giao thông khu vực và kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được hình thành sau này.
Do vậy, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét đưa dự án BOT Quốc lộ 26 vào danh mục các dự án BOT trình Quốc hội thông qua các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét, thống nhất phương án đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Quốc lộ 26 trước năm 2026 theo đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa.