Kỳ 1: EU - Một chuẩn sạc chung cho mọi xe điện
Kỳ 2: Sạc điện dễ như đổ xăng tại EU: Loại bỏ rào cản kết nối và thanh toán
Nội dung chính:
- Chỉ thị phát triển hạ tầng cho Nhiên liệu thay thế 2014 là tiền đề cho sự phát triển các trạm sạc ở EU, nhưng đang bị phê phán là làm chậm lại tốc độ phổ biến xe điện và khiến một số quốc gia thành viên bị bỏ xa trên lộ trình điện khí hóa giao thông đường bộ.
- EU đang xem xét bãi bỏ Chỉ thị 2014 và phê duyệt Quy định mới bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên tuân theo: cứ mỗi 60 km trên Mạng lưới Giao thông Xuyên châu Âu (TEN-T) phải có một trạm sạc xe điện.
Năm 2021, trong mỗi năm chiếc ô tô mới bán ra tại thị trường các nước EU, lại có một chiếc xe điện. Na Uy và Đức hiện nay lần lượt đứng hàng thứ nhất và thứ ba trong top các quốc gia có độ sẵn sàng cho điện khí hóa giao thông, theo công ty nghiên cứu ADL. Nước Anh xếp thứ năm trong danh sách này, nhờ triển khai chính sách phát triển xe điện trước khi rời EU năm 2020.
Câu chuyện phát triển xe điện ở EU bắt đầu từ vấn đề môi trường. EU đề ra mục tiêu giảm khí thải nhà kính từ giao thông xuống 90% vào năm 2050 (so với năm 1990). Giao thông là lĩnh vực gây ra ¼ lượng khí thải nhà kính ở EU, trong đó các phương tiện vận tải đường bộ đóng góp 71%.
Ủy ban châu Âu (EC) xem xe điện là công nghệ chủ chốt để giảm thiểu khí thải carbon trong giao thông đường bộ. Tuy nhiên, khi lượng xe cắm sạc bán ra ngày càng nhiều, mối lo của người dùng về việc thiếu trạm sạc khi di chuyển đường dài lại ngày càng tăng.
Hạ tầng trạm sạc chưa đáp ứng mục tiêu phổ biến xe điện
Chỉ thị phát triển hạ tầng cho nhiên liệu thay thế Ủy ban châu Âu năm 2014 (gọi tắt “Chỉ thị 2014”) đã tạo tiền đề cho việc thống nhất chuẩn sạc xe điện, cũng như gỡ bỏ các rào cản kết nối, thông tin và thanh toán.
Chỉ thị cũng yêu cầu các nước thành viên lắp đặt trạm sạc tiêu chuẩn dọc theo Quy hoạch của Mạng lưới Giao thông xuyên châu Âu (TENT-T). Đây chính là nền tảng cho hệ thống trạm sạc thống nhất trên toàn EU trong tương lai.
Tuy nhiên, sau gần thập kỷ triển khai, Chỉ thị lại bị coi là điều cản trở mục tiêu đáp ứng hạ tầng trạm sạc. “Chúng ta đã tốn mất 5-6 năm”, Nghị viên EU Ismail Ertug phê phán Chỉ thị chưa đủ tính ràng buộc khiến việc triển khai hạ tầng trạm sạc xe điện còn chậm chạp và không đồng đều giữa các quốc gia thành viên.
Hiện tại, có khoảng 377.000 trạm sạc công cộng ở EU, còn rất xa so với con số 6,8 triệu trạm sạc mà khu vực này ước tính cần để đạt mục tiêu giảm thải khí nhà kính, theo ông Ismail Ertug.
Thêm vào đó, 70% trạm sạc lại tập trung ở Hà Lan, Đức và Pháp, trong khi các nước thành viên phía Đông (như Ba Lan, Hungary, Slovakia…) và phía Nam (Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…) lại bị bỏ lại khá xa, dẫn đến e ngại tình trạng phát triển “hai tốc độ” trong khu vực.
Theo ông Herald Ruijters, trưởng ban đầu tư giao thông đổi mới và bền vững của Ủy ban châu Âu (EC), ba nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý đã nộp nhiều hồ sơ xin trợ vốn để xây trạm sạc, nên hạ tầng cho xe điện phía Nam EU “sẽ ổn trong vài năm tới”. Bây giờ khu vực chỉ cần tập trung thúc đẩy chính sách hạ tầng ở các nước phía Đông.
Ngược lại, ông Ismail Ertug kịch liệt thúc đẩy việc EC bãi bỏ Chỉ thị 2014 và thông qua dự thảo Quy định Phát triển Hạ tầng (AFIR) - luật có tính ràng buộc hơn, nhằm buộc các quốc gia phải tuân thủ kế hoạch phát triển hạ tầng cho xe điện.
Tại EU, Quy định (Regulation) có ngày hiệu lực chung và tính pháp lý ràng buộc đối với mọi Quốc gia Thành viên. Chỉ thị (Directive), ngược lại, không có hiệu lực pháp lý như một đạo luật chính thức ở bất cứ quốc gia thành viên nào, mà chỉ là khuôn khổ bắt buộc cho các nước thành viên ban hành luật riêng để tuân thủ.
Quy định mới sẽ ra sao?
Theo Dự thảo Quy định mới (AFIR), đến cuối năm 2025, ở các tuyến đường bộ chính ở châu Âu, cứ mỗi 60 km phải có một trạm sạc cho xe con. Yêu cầu tương tự cũng áp dụng cho xe tải và xe buýt, nhưng chỉ trên các tuyến trọng điểm trong Mạng lưới TENT-T. Sẽ có ngoại lệ đối với các vùng ở xa, đảo và đường có ít lưu lượng giao thông.
Trong kỳ họp Nghị viện EU ngày 19.10 năm ngoái, Dự thảo AFIR đã được đa số thành viên ủng hộ (485 phiếu thuận, 65 phiếu chống và 80 phiếu trắng). Đây được coi là thành công cho của Nghị viên Ismail Ertug, chính trị gia người Đức thuộc nhóm đang thúc đẩy Quy định mới.
Tuy nhiên, nhóm này đã thất bại trong việc thuyết phục Nghị viện thông qua cơ chế phạt các nước thành viên không tuân theo AFIR, trong đó cứ mỗi trạm sạc còn thiếu theo Quy hoạch chung, quốc gia vi phạm sẽ phải nộp phạt 1 nghìn Euro.
“Chiến lược búa tạ của Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Xã hội lờ đi sự thật rằng việc triển khai cơ sở hạ tầng chỉ có ý nghĩa nếu chi phí tương xứng với lợi ích và được dựa trên phân tích hợp lý,” Nghị viên Jens Gieseke, một người phê phán đề xuất cơ chế phạt tuyên bố.