Trang Nikkei đưa tin Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong có thể được tổng thống Hàn Quốc ân xá trong vài ngày tới. Lý do đến từ vai trò của ông trong việc lèo lái công ty trước những khó khăn lớn, bao gồm khủng hoảng chip toàn cầu.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể ân xá cho ông Lee nhân dịp Quốc khánh Hàn Quốc (ngày 15/8). Theo Yonhap, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã họp để xem xét "tha thứ". Bộ trưởng Tư pháp sẽ lập danh sách người được ân xá để Tổng thống Yoon phê duyệt. Ông Lee được xem là trọng tâm của đợt ân xá này.
Mở đường cho vị trí chủ tịch
Năm ngoái, phó chủ tịch Samsung được tạm tha sau 19 tháng ngồi tù vì hối lộ. Khả năng con trai cố Chủ tịch Lee Kun-hee được ân xá khá cao khi dư luận đa phần ủng hộ. Trong cuộc khảo sát hồi tháng 7 của National Barometer Survey, hơn 3/4 người tham gia muốn tha thứ cho người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc.
Việc ân xá sẽ mở đường để ông Lee giữ chức chủ tịch Samsung, vị trí bỏ trống từ khi cha của ông qua đời năm 2020. Dù được tạm tha vào năm ngoái, hồ sơ tội phạm vẫn hạn chế "thái tử Samsung" trong các hoạt động kinh doanh.
"Sẽ đến lúc Lee làm điều này (trở thành chủ tịch Samsung)... Ông ấy không thể giữ chức phó chủ tịch. Có thể không phải lúc này, nhưng sẽ đến thời điểm điều đó xảy ra", một nguồn tin giấu tên chia sẻ về kế hoạch trở thành chủ tịch Samsung của ông Lee.
Dù vậy, nhà phân tích của một công ty môi giới nước ngoài cho rằng lệnh ân xá ông Lee sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Samsung. "Tôi nghĩ vấn đề liên quan đến chính trị nhiều hơn", người này cho biết.
Vào tháng 7, ông Park Sung-joong, nhà lập pháp thuộc đảng Sức mạnh Quốc dân Hàn Quốc (PPP) đã đề xuất Thủ tướng Han Duck-soo về việc ân xá cho ông Lee.
"Thế giới đang trong cuộc chiến bán dẫn. Đã đến lúc chúng ta có người dẫn dắt, nhưng họ rất lo lắng. Tôi nghĩ chúng ta cần ân xá cho Phó chủ tịch Lee Jae-yong, một trong những người dẫn đường... Ông có kế hoạch đề xuất việc này cho tổng thống không?" là câu hỏi của ông Park dành cho Thủ tướng Han Duck-soo.
Lèo lái Samsung vượt qua khó khăn
Khả năng ân xá ông Lee được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng chip toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỹ cũng đang gây sức ép để Hàn Quốc tham gia liên minh cung ứng chất bán dẫn, tập hợp các nhà sản xuất, thiết kế và cung cấp vật liệu từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Chính phủ Mỹ đề nghị các bên châu Á hợp tác về nhân lực, nghiên cứu và phát triển, đóng góp chuỗi cung ứng để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn tiên tiến. Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, bà cũng nhấn mạnh về hợp tác giữa 2 nước.
"Chúng tôi tái khẳng định cam kết với liên minh Mỹ - Hàn Quốc nhằm thúc đẩy an ninh, củng cố chuỗi cung ứng, tăng cường lợi ích thương mại và đầu tư cho 2 nước", bà Pelosi chia sẻ trong cuộc họp với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo.
Samsung là công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% thị phần chip DRAM, được sử dụng rộng rãi trên máy chủ và máy tính cá nhân. Công ty Hàn Quốc cũng sản xuất 1/3 chip nhớ NAND trên smartphone và các sản phẩm điện tử khác.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Samsung giảm hơn 20%. Đối thủ chính của công ty là TSMC (Đài Loan) trong lĩnh vực đúc bán dẫn. Cả 2 là đối tác quan trọng của Mỹ, giúp nước này duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghệ và cạnh tranh với Trung Quốc, đất nước đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát nhận định khả năng ân xá cho ông Lee khá cao, tương tự khi cha của ông được cựu Tổng thống Lee Myung-bak ân xá vào 2009. Năm 2008, Lee Kun-hee bị kết án 3 năm tù treo vì trốn thuế. Sau khi được ân xá, cựu chủ tịch Samsung giúp Hàn Quốc giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2018 với tư cách thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol giảm nhanh từ khi ông nhậm chức vào tháng 5. Điều đó có thể tác động đến quyết định ân xá. Ngoài ra, việc ân xá cho các doanh nhân cũng gây phản ứng trái chiều. "Quá nhiều tác động tiêu cực khi ân xá các doanh nhân... Điều đó làm xói mòn công lý, tổn hại đến uy tín đất nước trên trường quốc tế", tờ Hankyoreh viết.