Getir, một công ty khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập năm 2015, gần đây đã huy động được 768 triệu USD tiền tài trợ, nâng giá trị lên tới 11,8 tỷ USD và củng cố vị thế trong bối cảnh thị trường đầy biến động. Nhưng chỉ 2 tháng sau, Getir đã cắt giảm tới 14% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương với 4.500 nhân viên.
GETIR là một công ty giao hàng “thần tốc” tại Thổ Nhĩ Kỳ
Thất bại chóng vánh
Đợt sa thải quá nhanh chóng phản ánh những bất ổn trong lĩnh vực này. Các công ty giao hàng “thần tốc” từng được tài trợ hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, nhu cầu giao hàng nhanh tăng cao, một loạt các công ty đã đưa ra những dịch vụ hấp dẫn và đầy hứa hẹn như cung cấp kem, giấy vệ sinh, rượu vodka hay thậm chí một quả táo chỉ trong vòng 10 phút. Những startup này đã mở văn phòng và trung tâm ở các thành phố trên khắp đất nước và nhanh chóng thực hiện quy trình tuyển dụng nhân viên.
Sau giai đoạn phát triển rực rỡ, mọi thứ bắt đầu dần chững lại. Lạm phát, lãi suất tăng, lo ngại về suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của chiến tranh ở Ukraine đã buộc phần lớn các công ty trong ngành công nghệ phải xem xét lại chi phí. Các công ty giao hàng nhanh cũng không ngoại lệ.
Ông Alex Frederick, một nhà phân tích về công nghệ mới tại PitchBook, cho biết: “Đó là mô hình mà chúng tôi đã thấy tại Uber cách đây một thập kỷ. Họ ưu tiên sự tăng trưởng hơn lợi nhuận, nhanh chóng nắm bắt lợi thế tiên phong”. Mô hình này đòi hỏi sự đốt cháy giai đoạn cao, đầu tư vốn lớn để liên tục mở rộng sang các thị trường mới, thu hút và giữ khách hàng. Giờ đây, các nhà đầu tư đã không còn hứng thú với mô hình này nữa.
Gorillas cũng là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng cực nhanh tại Đức và bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Mỹ từ tháng 5/2021
Năm nay, hoạt động của các công ty giao hàng nhanh tại Mỹ khá ảm đạm. Fridge No More và Buyk ngừng hoạt động hoàn toàn; Jokr ra thông báo sẽ ngừng hoạt động tại Mỹ và tập trung hoạt động kinh doanh ở Mỹ Latinh; còn Gopuff, Gorillas và Getir đều từng trải qua ít nhất một đợt sa thải nhân sự. Tóm lại, có đến ít nhất 8.250 nhân công đã mất việc, nhiều người trong số họ là nhân viên giao hàng hoặc nhân viên tuyến đầu.
Sự việc đã gây sốc cho những nhân viên từng đặt cược vào các công ty giao hàng nhanh. Một số nhân viên đã bị Gatir sa thải cho biết họ cảm thấy an tâm khi mới được tuyển vào và còn được hứa hẹn rằng “7 năm nay công ty chưa từng sa thải một ai”.
Nhiều lao động được tuyển dụng vào năm 2021, khi Getir đang xây dựng trụ sở ở Hoa Kỳ, nói rằng, mặc dù họ biết các công ty khởi nghiệp sẽ sa thải nhân viên hoặc thậm chí phá sản là vấn đề một sớm một chiều, tuy nhiên họ vẫn tin rằng Getir là một ngoại lệ. “Tôi đã hy vọng họ sẽ không sa thải và có định hướng khác với những công ty khởi nghiệp bình thường. Nhưng tôi đã lầm tưởng. Họ thực sự đã làm chúng tôi vô cùng thất vọng”, một cựu nhân viên của Getir chia sẻ.
Tương tự Getir, các công ty khởi nghiệp giao hàng “thần tốc” vẫn tồn tại nhưng buộc phải cắt giảm nhân công để vượt qua suy thoái kinh tế.
Sự trỗi dậy và vấp ngã của các công ty giao hàng "thần tốc"
Gopuff được coi là công ty tiên phong trong việc tận dụng các cửa hàng và cung cấp dịch vụ giao hàng cực nhanh. Mục đích của Gopuff là giao đồ ăn nhanh cho các sinh viên đại học. Chưa đầy một thập sau khi thành lập vào năm 2013, Gopuff đã được định giá 15 tỷ USD. Công ty có chi nhánh tại hơn 1.200 thành phố và còn ký hợp đồng hợp tác với Uber. Gopuff hiện có 450 trung tâm trải dài khắp các thị trấn có các trường đại học và các thành phố lớn để cung cấp cho khách hàng mọi thứ, từ thực phẩm đến rượu, thuốc. Tính đến tháng 3 năm 2022, công ty này sở hữu khoảng 15 nghìn nhân công.
Gopuff thành lập tại Philadelphia vào năm 2013 và là công ty được đánh giá cao nhất trong số các công ty khởi nghiệp giao hàng cực nhanh.
Nhưng công ty đã thông báo về một đợt sa thải thứ 2 sẽ diễn ra trong vòng vài tháng và đóng cửa 76 trung tâm trong vòng 2 năm tới “để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong tương lai gần”.
Ông Brittain Ladd, cố vấn ngành cung ứng, cựu nhân viên chiến lược của Amazon nói rằng, khẩu hiệu “giao hàng trong 15 phút” của các công ty giao hàng “thần tốc” chỉ là một mánh khóe quảng cáo. Nó thu hút mọi người và làm nhiễu loạn dư luận.
Cơ hội cho các tên tuổi khác
Khi những công ty tiên phong trong lĩnh vực giao hàng “thần tốc” gặp khó khăn thì những tên tuổi kém nổi bật hơn bắt đầu tìm cách vươn lên. Instacart vào tháng 5 năm nay đã hoàn thành các thủ tục IPO. Công ty này đã ra mắt dịch vụ giao hàng nhanh cho một số khách hàng của Publix ở Miami và từ chối chia sẻ các số liệu về quan hệ đối tác của hai bên. Tháng 12 năm ngoái, DoorDash cũng bắt đầu cung cấp các lựa chọn giao hàng “thần tốc” tại New York thông qua DashMart - một trong những cửa hàng của công ty và dần được mở rộng từ năm 2020.
Những công ty này lại chọn con đường tiếp cận khách hàng một cách chậm rãi và có phương pháp hơn. Paul Stellatos - người đã điều hành các cửa hàng tạp hóa tại khu vực Chicago trong gần hai thập kỷ đã chia sẻ, công ty của ông - Go Grocer đã phát triển một ứng dụng cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh thông qua các cửa hàng mà không cần đến vốn hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Quá trình này kéo dài trong nhiều tháng, và thời điểm ấy Gorillas và Getir đang thống lĩnh thị trường. Go Grocer tận dụng nhân viên từ các công ty như DoorDash và Uber để giao đơn.
Go Grocer cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh từ các cửa hàng tạp hóa có sẵn
Ông Vitaly Alexandrov, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập công ty khởi nghiệp Food Rocket có trụ sở tại San Francisco, chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa, chủ yếu là thực phẩm tươi sống trong 10 - 30 phút cho biết, tính đến nay họ mới có 6 địa điểm bán lẻ ở San Francisco và Chicago.
“Không phải vì chúng tôi là một công ty phát triển chậm. Chúng tôi chỉ đang cố gắng xây dựng một mô hình kinh doanh thực sự bền vững. Công ty sẽ không thể nào mở rộng quy mô nếu không có những khoản lỗ lớn như vậy”.
Food Rocket đã huy động được số vốn 30 triệu USD. “Chúng tôi tin rằng mọi người vẫn yêu thích những đơn hàng siêu nhanh”, ông nói.