Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch kết thúc tuần. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 127,93 điểm, tương đương 0,38%, còn 33.926,01 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 43,28 điểm (-1,04%) và 193,86 điểm (-1,59%) xuống 4.136,48 điểm và 12.006,95 điểm.
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa vì các nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Những dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn rất nóng.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/2, Mỹ có thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, tăng mạnh từ mức 223.000 việc làm hồi tháng 12/2022 và bỏ xa con số được các nhà đầu tư dự báo là 187.000 việc làm.
Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt đỉnh 3,5% sau khi tăng thêm 12 điểm cơ bản.
Thị trường lao động vẫn nóng
"Khả năng tiếp đất nhẹ nhàng của nền kinh tế Mỹ sẽ rất khó xảy ra nếu thị trường lao động không hạ nhiệt", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh - nhận định với Zing. Thị trường lao động tăng trưởng mạnh làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Cùng với đó, ông cho rằng chứng khoán Mỹ còn chịu áp lực từ thu nhập thấp hơn kỳ vọng của các công ty công nghệ lớn như Apple, Amazon và Alphabet.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Khả năng tiếp đất nhẹ nhàng của nền kinh tế Mỹ sẽ rất khó xảy ra nếu thị trường lao động không hạ nhiệt
Ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Các thị trường đều đánh giá rằng Fed chuẩn bị kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Giới đầu tư dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm một lần nữa rồi tạm dừng, và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm.
Nhưng nếu ngân hàng trung ương Mỹ thắt chặt chính sách lâu hơn dự báo, thị trường chứng khoán có thể chịu sức ép lớn. Bởi khả năng Fed bớt diều hâu hơn đã được phản ánh trên giá.
Dù đã sụt giảm trong phiên 3/2, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 1,62% trong tuần, đánh dấu chuỗi tăng hàng tuần liên tiếp kéo dài 4 tuần.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 3,31% trong tuần qua, ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Lợi nhuận của các đại gia công nghệ sụt giảm
Trong họp báo sau cuộc họp chính sách ngày 1/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thực hiện thêm một vài đợt tăng lãi suất nữa để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu.
"Chúng tôi đã tăng lãi suất 4,5 điểm phần trăm và đang thảo luận về một vài đợt tăng lãi suất nữa, cho tới khi thắt chặt chính sách ở mức thích hợp. Vì sao chúng tôi nghĩ rằng điều đó cần thiết. Bởi lạm phát vẫn còn rất nóng", vị chủ tịch nhấn mạnh.
Phố Wall cũng đỏ lửa vì báo cáo tài chính quý IV/2022 của các đại gia công nghệ. "Mỗi công ty đều có những lý do riêng, nhưng điểm chung của họ là triển vọng kinh tế ảm đạm. Điều đó ảnh hưởng tới cả doanh thu lẫn lợi nhuận", ông Erlam giải thích.
"Dù khách hàng mua ít thiết bị hơn hay giảm chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số, đó là xu hướng chung với toàn ngành", vị chuyên gia lập luận.
Theo ông, các công ty công nghệ lớn đã ứng phó bằng cách thắt chặt hầu bao và sa thải hàng loạt. "Nhưng họ cần làm nhiều hơn nữa để xoa dịu Phố Wall", ông Erlam bình luận.
Trong phiên giao dịch ngày 3/2, giá cổ phiếu của Alphabet - công ty mẹ Google - lao dốc 2,8% vì kết quả kinh doanh tệ hơn dự báo. Cổ phiếu của Amazon cũng mất 8,4% giá trị, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022.