"Vui lòng cho chúng tôi biết thêm về bản thân của bạn".
Tiền đề của một cuộc phỏng vấn xin việc thường là để tìm hiểu đôi bên - nhà tuyển dụng và ứng viên tiềm năng - tốt hơn. Tuy nhiên, điều này gần như không thể thực hiện được một cách trực tiếp trong khoảng thời gian giãn cách thời kỳ đại dịch. Các cuộc phỏng vấn ảo qua Zoom, Teams và Google Meet đã trở nên phổ biến kể từ đó, theo KrASIA.
Một số công ty thậm chí đã sẵn sàng tiến thêm một bước nữa trong phỏng vấn tuyển dụng bằng cách đưa AI vào quá trình. Thay vì cử nhà tuyển dụng hoặc người phỏng vấn, các hệ thống phỏng vấn AI với giọng nói robot được sử dụng, thường với một tập hợp câu hỏi đã xác định trước.
Các câu trả lời trước tiên sẽ được ghi lại, sau đó chuyển đổi từ âm thanh sang văn bản. Trong cuộc phỏng vấn như vậy, các hoạt động của một con người như phong thái đi đứng và duy trì giao tiếp bằng mắt - những yếu tố cơ bản tạo nên một cuộc trò chuyện - không được thể hiện, khiến nhiều ứng viên mất phương hướng.
Mức độ phổ biến của phỏng vấn AI đang tăng lên, đặc biệt là trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Một số chủ đề như "Tỷ lệ chấp nhận phỏng vấn AI", "Kỹ thuật phỏng vấn AI" và "Kỹ năng phỏng vấn AI" đang được chia sẻ trong nhiều bài đăng.
Ưu điểm của phỏng vấn AI
Trong vài năm trở lại đây, quá trình tuyển dụng đã trải qua những thay đổi đáng kể do các yếu tố bên ngoài như đại dịch COVID-19 và sự mất cân đối cung cầu lớn trên thị trường lao động. Nhiều công ty đã chuyển sang sử dụng công cụ tuyển dụng AI cho vòng phỏng vấn đầu tiên để giải quyết những thách thức này.
Số lượng ứng viên cũng là một yếu tố cần xem xét. Khi bộ phận nhân sự nhận được một số lượng lớn hồ sơ xin việc, sàng lọc và phỏng vấn bằng AI nổi lên như một giải pháp đơn giản có thể khắc phục những hạn chế về thời gian - không gian của quy trình tuyển dụng truyền thống. Ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí lao động đã khiến xu hướng này trở nên phổ biến rộng rãi đối với các nhà tuyển dụng, với mức tiết kiệm thời gian dao động từ 65% đến 95%, theo thống kê của kênh AI Talent trên nền tảng chia sẻ video Bilibili.
Một trong những lợi thế đáng chú ý của phỏng vấn AI là tính khách quan và công bằng. "Phỏng vấn AI sẽ loại bỏ những yếu tố chủ quan có thể can thiệp vào kết quả phỏng vấn và giảm sự thiên vị từ phân biệt ngoại hình hay kỳ thị giọng địa phương", ông Tian Juanjuan, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu đánh giá tuyển dụng Zhilian, cho biết. Lợi thế này có thể giải thích tại sao thị trường phỏng vấn AI ngày càng mở rộng. Theo dữ liệu từ Facts & Factors, thị trường phỏng vấn AI toàn cầu đạt 610 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 890 triệu USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,5%.
Những hạn chế
Tuy nhiên, những hạn chế của các cuộc phỏng vấn AI cũng là một chủ đề đáng bàn luận.
Một số chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng hệ thống AI có cả tác động tích cực và tiêu cực. Mặc dù chúng có thể cải thiện các yếu tố khách quan, nhưng cũng có thể vô tình củng cố định kiến, đặc biệt là trong giai đoạn học máy ban đầu, hệ thống có thể học được sự thiên vị từ con người. Bằng chứng gần đây, trên một số nền tảng xã hội, nhiều sinh viên mới ra trường đã tham gia phỏng vấn AI nghi ngờ rằng họ bị từ chối vì không đủ trình độ học vấn hoặc phân biệt giới tính.
"Theo tôi, sự bất đối xứng thông tin là lý do chính khiến những người được phỏng vấn đang đặt câu hỏi ngờ vực về các cuộc phỏng vấn AI", ông Liu Wei, chuyên gia đến từ Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, cho biết. "Các nhà sản xuất công nghệ phỏng vấn AI nên ưu tiên đảm bảo giao tiếp rõ ràng giữa ứng viên và hệ thống, thay vì chỉ tập trung phục vụ mục đích của bộ phận nhân sự".
Hơn nữa, nếu không có người phỏng vấn thật sự trong quá trình, các ứng viên cũng không thể tìm hiểu thêm về công ty bằng cách đặt câu hỏi riêng dành cho nhà tuyển dụng hoặc có một cuộc trò chuyện cởi mở thực sự. Do đó, hệ thống có thể nhầm lẫn và ưu tiên các ứng viên đã chuẩn bị câu trả lời kiểu mẫu và đọc thuộc lòng, thay vì những ứng viên tiềm năng có những suy nghĩ sáng tạo.
Phỏng vấn AI thời đó và bây giờ
Công cụ phỏng vấn AI đã xuất hiện ngay từ năm 2009. Vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính đang càn quét thế giới. Nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 bắt đầu sa thải quy mô lớn, và sự cạnh tranh trên thị trường việc làm ngày càng gay gắt. Một số lượng lớn các vị trí không thể đáp ứng nhu cầu kinh doanh, nhưng đa số công ty cần giảm chi phí và tăng hiệu quả, buộc bộ phận nhân sự phải hoàn thành tuyển dụng với ít nhân lực nhất có thể, dẫn đến hệ quả là phỏng vấn AI ra đời.
Nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và nhu cầu thị trường cho các cuộc phỏng vấn AI đã chậm lại trong thập kỷ tiếp theo. Đại dịch, cùng với cuộc khủng hoảng lao động đi kèm và tình hình giãn cách xã hội, đã làm sống lại nhu cầu đó.
Trưởng bộ phận tuyển dụng tại L'Oréal Trung Quốc cho biết công ty đã áp dụng hệ thống phân tích văn bản AI trong việc tuyển dụng thực tập sinh vào năm 2020. Ông nói: "Lý do chúng tôi sử dụng hệ thống phân tích văn bản AI vì cần sàng lọc một số lượng lớn hồ sơ xin việc trong quá trình tuyển dụng và chúng tôi cần có khả năng phân tích các ứng viên một cách hiệu quả và chính xác. Hệ thống này hoàn hảo để đáp ứng các yêu cầu về hiệu quả và sàng lọc ban đầu".
Một ví dụ khác của công cụ phỏng vấn AI là Duomian, có thể thực hiện hơn 4.000 cuộc phỏng vấn trong vòng 24 giờ, tương đương với khối lượng công việc của 3 người phỏng vấn làm việc 48 giờ không nghỉ. Hệ thống cũng có thể trả lời một số câu hỏi thường được hỏi bởi các ứng viên, chẳng hạn như những câu hỏi liên quan đến lương thưởng, địa điểm văn phòng và đãi ngộ công ty.
"Những câu hỏi này được biên soạn bởi các công ty tuyển dụng, sau đó những người phỏng vấn ảo sẽ trả lời để tạo điều kiện cho ứng viên hiểu biết ban đầu về công ty, điều này cũng sẽ tiết kiệm thời gian cho các cuộc phỏng vấn vòng sau", đại diện Duomian cho biết.
Mặc dù ứng viên không thể giao tiếp bằng mắt và kết nối thực sự với hệ thống, nhưng dù sao họ vẫn đang được xem xét năng lực một cách kỹ lưỡng. Ví dụ, các công cụ như Yimian, thuộc công ty tuyển dụng Zhaopin Recruitment, có thể nắm bắt nhiều thuộc tính được phân loại thành kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, tính cách và động lực.
HireVue, công ty Hoa Kỳ tiên phong trong sử dụng phỏng vấn AI, cũng nhận ra khía cạnh này. Trong vòng 30 phút phỏng vấn, hệ thống có thể thu được 500.000 điểm dữ liệu về các ứng viên trên 15.000 khía cạnh khác nhau, ví dụ như ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, chuyển động mắt, tốc độ phản hồi và âm lượng.
Các cuộc phỏng vấn về AI có đáng tin cậy không?
Theo báo cáo từ QbitAI, trong những năm gần đây, đã có rất nhiều trường hợp công cụ phỏng vấn AI không tuyển dụng được nhân tài do thiếu khả năng phán đoán của một con người. Ví dụ, một blogger đã từng tham gia phỏng vấn AI chia sẻ anh đã sử dụng nền tường trắng ở cuộc phỏng vấn đầu tiên và giá sách làm nền tại buổi phỏng vấn thứ hai, trong khi giữ nguyên tất cả các yếu tố khác trong quá trình phỏng vấn. Đáng ngạc nhiên, với nền là giá sách, mức độ hứng thú của người phỏng vấn AI dành cho blogger này đã tăng 15%. Ngoài ra, một ứng viên khác đã thay đổi biến số về việc cô ấy có đeo kính hay không và điểm của hệ thống phỏng vấn AI cho thấy sự khác biệt là 10 điểm.
"Thuật toán AI có những điểm mù và thiếu cái nhìn sâu sắc về con người. Ví dụ, hai ứng viên được đề cập ở trên có thể không có thành tích học tập cao, nhưng họ rất giỏi trong việc tìm ra phương pháp đánh lừa AI. Mặt khác, sẽ tương đối khó để đánh lừa những người phỏng vấn thực thụ thông qua chiêu trò tương tự", chuyên gia Liu phân tích.
Vì vậy, nhiều công ty sản xuất hệ thống phỏng vấn AI đang nỗ lực cải thiện để tiếp cận trình độ của những người phỏng vấn có kinh nghiệm.
Ví dụ, Tongdao Liepin Group, nhà sản xuất Duomian, đã giới thiệu tính năng “câu hỏi tiếp theo” thông minh trong phỏng vấn AI. Tức là, hệ thống sẽ phân tích câu trả lời của ứng viên theo thời gian thực, sau đó chọn một hướng thích hợp để mở rộng các câu hỏi, dẫn đến trải nghiệm phỏng vấn đa dạng và phong phú hơn.
Ngoài ra, một số hệ thống phỏng vấn AI và các công ty tuyển dụng cũng đang bắt đầu biến cuộc phỏng vấn thành trải nghiệm hai chiều.
Liệu hệ thống phỏng vấn AI có thể thay thế con người không? Hiện tại, câu trả lời dường như là không. Thay vào đó, cách tiếp cận kết hợp giữa sử dụng AI và các cuộc phỏng vấn tiếp theo có thể là chìa khóa để cân bằng giữa hiệu quả và kết nối trong tương lai.