Nội dung chính
- Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các chuyên gia đã có rất nhiều nỗ lực, khuyến nghị chính sách để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi .
- Tuy nhiên, các chính sách tài khoá mới là giải pháp căn cơ để phục hồi nền kinh tế, khi vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải là tổng cầu suy giảm.
Thời gian vừa qua, để khơi thông dòng vốn hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ và NHNN đã kêu gọi các ngân hàng thương mại hạ lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng này lại đang đứng trước yêu cầu đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% vào tháng 10 năm nay - theo Thông tư 08 của NHNN. Quy định này khiến dư địa cho vay của các ngân hàng bị thu hẹp, đồng thời áp lực huy động vốn tăng lên cả về ngắn và dài hạn. Các ngân hàng vì vậy phải hết sức thận trọng trong việc hạ lãi suất.
Mới đây, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, NHNN có thể cân nhắc để hạ bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ý kiến này cũng đã nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia khác trong ngành tài chính.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ giữa khoản tiền các ngân hàng thương mại phải gửi tại NHNN và số tiền ngân hàng thương mại nắm giữ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng, thời gian qua, NHNN cũng đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy nền kinh tế, trong bối cảnh có rất nhiều mục tiêu như tăng trưởng, ổn định lạm phát, ổn định tỷ giá,... Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng là công cụ giúp cho hệ thống ngân hàng có thanh khoản tốt hơn trong thời gian tới. Trước đó, dù có nhiều chính sách được đưa ra, tuy nhiên thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng thấp. Tính đến 27/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế trong nước đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,04% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng hơn 6%).
CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cũng nhận định, đôi khi thị trường đang kỳ vọng hơi quá vào các chính sách tiền tệ, trong khi, việc phục hồi nền kinh tế không thể chỉ dựa vào riêng ngành ngân hàng, hay chính sách tiền tệ với sự điều hành của NHNN.
“Giống như người ốm, món ăn có ngon đến mấy nếu, mà không có sức khỏe thì cũng không thể ăn được” - ông Tuấn lấy ví dụ. Doanh nghiệp khi không có đơn hàng, thì lãi suất có giảm đến mấy cũng không thể tác động mạnh được đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn về vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay, ông Tuấn cho rằng đến từ phía cầu, trong bối cảnh Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, mà xuất khẩu lại đang rơi vào suy thoái chung, doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 4/2023 đã giảm hai chữ số so với cùng kỳ 2022 - theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê dù Việt Nam vẫn xuất siêu.
Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, chuyên gia này cho rằng cần có những giải pháp căn cơ hơn, như các biện pháp về tài khoá, bên cạnh những chính sách mang tính phản ứng với các cú sốc, như hạ lãi suất, hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Hiện nay, Chính phủ đã có biện pháp để kích thích tiêu dùng trong nước, thông qua việc trình Quốc hội để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (VAT) từ 10% xuống 8% tại kỳ họp thứ 5. Với chính sách này, người tiêu dùng khi sử dụng hầu hết mọi hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 2%. Việc giảm thuế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, trong 4 tháng đầu năm, số liệu về bán lẻ, tiêu dùng đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đa phần sự phục hồi đến từ ngành du lịch, trong khi đó, chi tiêu thường xuyên của người dân còn rất ảm đạm.
“Dấu hiệu suy thoái mà chúng tôi đề cập từ năm ngoái, năm nay đã biểu hiện rất rõ ràng” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn kết luận, khi thị trường khó khăn, ai cũng "thắt lưng buộc bụng" sẽ khiến nền kinh tế không được thúc đẩy, tạo ra vòng lặp, do đó, Chính phủ cần đi trước và đưa ra các chính sách để người dân an tâm, có động lực để chi tiêu.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.