Những lo ngại về tác động từ nhu cầu bị dồn nén ở Trung Quốc có lẽ sắp trở thành sự thực khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chính thức mở cửa trở lại. Những tháng qua, FED đã phải nỗ lực tăng lãi suất với tốc độ chưa từng có suốt nhiều thập niên để kéo lạm phát kỷ lục của nước Mỹ đi xuống. Tuy nhiên, nhu cầu đột biến từ Trung Quốc có thể đẩy giá mọi thứ trở lại với đỉnh đầu năm 2022, khiến mọi nỗ lực của FED đổ sông đổ biển.
“Theo quan điểm của chúng tôi, một Trung Quốc với nền kinh tế mạnh hơn sẽ làm gia tăng cơ hội hình thành một FED diều hâu hơn”, Tavis McCourt, chiến lược gia về vốn chủ sở hữu của tổ chức tại Raymond James, cho biết. “Với sự trở lại của Trung Quốc, nhu cầu với mọi thứ sẽ tăng lên. Và nếu đà tăng đủ mạnh, nó có thể đẩy giá hàng hóa trở lại đỉnh mùa xuân năm ngoái. Khi điều này xảy ra, những thành quả với lạm phát chúng ta hiện có sẽ vô cùng mong manh”.
Hàng hóa tăng giá
McCourt tin rằng khi người tiêu dùng Trung Quốc được phép ra khỏi nhà và thực hiện các hoạt động thông thường, xăng và nhiên liệu máy bay chắc chắn sẽ tăng vọt. Và đó mới chỉ là khởi đầu.
Giá hàng hóa thực sự đã tăng đáng kể từ tháng 12, khi Trung Quốc công bố kế hoạch dỡ bỏ một số biện pháp ngăn ngừa Covid-19 nghiêm ngặt nhất. Giá đồng kỳ hạn 3 tháng ở Sàn giao dịch kim loại London đạt 9.436 USD vào sáng 19/1, tăng khoảng 12,5% từ đầu tháng tới nay. Giá nhôm cũng tăng 11,7% trong tháng 1.
Trên thực tế, các quan chức FED cũng đã bày tỏ lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc như một yếu tố có thể đảo ngược nỗ lực chế ngự lạm phát với nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng như nguy cơ suy thoái ở châu Âu được giảm bớt có thể làm cho lạm phát Mỹ tăng tốc trở lại.
Việc giá cả hàng hóa tăng vọt được ông Bullard coi là rủi ro phải tính đến khi hoạch định các chính sách tiền tệ, nhất là khi “một số yếu tố có lợi trong năm 2022 có thể bị đảo ngược trong năm nay”.
Những tác động… có giới hạn
Theo Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể mang đến những lo ngại về lạm phát nhưng những tác động lan tỏa với nền kinh tế toàn cầu có lẽ sẽ không quá lớn.
“Khi sự phục hồi ở Trung Quốc được thúc đẩy nhiều hơn bởi tiêu dùng chứ không phải đầu tư, chúng tôi thấy tác động của lạm phát sẽ bị giới hạn ở phần còn lại của khu vực”, nhóm chuyên gia kinh tế châu Á của Morgan Stanley do Chetan Ahya dẫn đầu nhận định.
Nhóm này nhấn mạnh cân bằng cung/cầu hàng hóa toàn cầu quan trọng hơn và với nhu cầu nhìn chung đang giảm, chúng sẽ góp phần ngăn cản những tác động lan tỏa từ nhu cầu của Trung Quốc.
Trong khi đó, một nhà phân tích khác cho rằng cú tăng của giá hàng hóa đã xảy ra nhưng đặt câu hỏi liệu tiến trình này có thể tiếp tục hay không.
Tham khảo: CNBC