Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng vừa tổ chức, nhiều ý kiến trái chiều về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan liên quan cho rằng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tác động đến giá bán nhà ở theo xu hướng giảm hơn so với sở hữu lâu dài. Từ đó, tạo điều kiện để nhiều người dân có khả năng tài chính trung bình có thể mua nhà, tạo lập được chỗ ở cho bản thân và gia đình.
Đưa giá trị thực của chung cư về sát thực tế
Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, quy định thời hạn sử dụng chung cư là một đột phá. Về sâu xa, quy định này sẽ giúp người dân tiếp cận nhà chung cư tốt hơn bởi trên thực tế không có gì có thể tồn tại vĩnh viễn.
"Tâm lý của người dân từ xưa đến giờ vẫn là sở hữu vĩnh viễn theo kiểu tài sản tích trữ truyền đời qua nhiều thế hệ. Nếu chuyển sang sở hữu có thời hạn thì người dân sẽ phải cân đối giữa thuê và mua", ông nói.
Theo ông, lúc đó, giá trị thực của nhà chung cư sẽ sát với thực tế giúp giá nhà giảm xuống. Nếu xác định sở hữu nhà chung cư có thời hạn thì đất xây dựng chung cư cũng nên là thuê có thời hạn để tương thích với nhau...
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng phương án đề xuất sử dụng chung cư có thời hạn là hợp lý vì tòa nhà chung cư không tồn tại vĩnh viễn.
"Ngay như quy định đất sử dụng chung cho chung cư hiện nay là hàng trăm, hàng nghìn hộ dân trên cùng thửa đất đó, việc phân chia rất phức tạp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc cải tạo chung cư thời gian qua", ông nói.
Ông Hiệp đề xuất nên quy định công trình cấp nào thì tuổi thọ bao lâu và có giải pháp giải quyết với những chung cư đã hình thành trước khi quy định này có hiệu lực. Nếu hài hòa và phù hợp thì người dân cũng sẽ đồng thuận...
Về phía địa phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết khi thực hiện cải tạo chung cư cũ, các tòa nhà hầu hết đã là chung cư cao tầng, hết khả năng nâng thêm tầng nên sẽ không hiệu quả để thu hút chủ đầu tư tham gia xây mới, cải tạo.
"Do đó, cần quy định thời hạn sở hữu chung cư. Khi tòa nhà hết niên hạn sử dụng, vẫn có thể đấu giá đất nên cư dân vẫn còn quyền sở hữu đất. Thậm chí theo thời gian, lô đất đó có thể gia tăng giá trị", ông nói.
Doanh nghiệp lo ngại
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp như Tập đoàn CEO, Sunshine, Sun Group, VinaCapital bày tỏ băn khoăn về quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư, bởi họ cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tâm lý của người mua và thị trường.
Việc xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vô hình trung khuyến khích tâm lý mua đất ở.
Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO.
Với quy định này, có thể người dân sẽ mong muốn quay lại mua đất xây nhà để sở hữu lâu dài và sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà chung cư. Trong khi chung cư chính là mô hình phát triển phù hợp hiện nay nhằm tiết kiệm tài nguyên quỹ đất; đồng thời, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản...
Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cho rằng việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tâm lý chung người mua nhà. Việc xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vô hình trung khuyến khích tâm lý mua đất ở.
Trước đó, trao đổi với Zing, ông Trần Nhật Quang - Giám đốc đầu tư Kim Oanh Group - cũng cho rằng trong trường hợp đề xuất của Bộ Xây dựng được áp dụng, giá bán ra sẽ phải giảm, bởi từ sở hữu lâu dài sang sở hữu có thời hạn là khoảng cách rất lớn đối với người mua.
Theo ông Quang, suy nghĩ tài sản chỉ có thời hạn 50 năm sẽ khiến người dân giảm mức tiền sẵn sàng mua sản phẩm, họ sẽ không chấp nhận giá như trước kia. "Nhưng chủ đầu tư thì vẫn tốn chừng đó tiền để phát triển dự án. Do đó, đề xuất này sẽ bào mòn phần doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp", vị này đánh giá.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới vì cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai.
HoREA đề xuất nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê...
Theo cơ quan này, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước; có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở; nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ khiến giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao; tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại một và loại hai...