Quy định này được thị trưởng Mato Frankovic đưa ra sau khi nhiều cư dân địa phương phàn nàn về tiếng ồn do khách du lịch kéo vali trên những con đường lát đá sỏi, khiến họ không thể ngủ vào ban đêm.
Những du khách vi phạm có thể bị phạt tới 288 USD, theo News.com.au.
Từ tháng 11, chính quyền địa phương dự định thiết lập một hệ thống cho phép du khách ký gửi hành lý từ khi còn ở bên ngoài thành phố. Đồ đạc sau đó sẽ được đưa đến địa chỉ của khách bằng dịch vụ chuyển phát nhanh.
Biện pháp này là một phần của chương trình "Tôn trọng Thành phố", được Văn phòng du lịch Dubrovnik giới thiệu. Ngoài ra, du khách cũng được khuyến cáo thú cưng phải có dây dắt, không trèo lên các công trình kiến trúc hay đi lại mà không mặc áo, như một cách thể hiện sự "tôn trọng" cho thành phố.
Nhờ cảnh quan đẹp, đồ ăn ngon và người dân hiếu khách, Dubrovnik là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch ở châu Âu. Kể từ đầu năm, thành phố ghi nhận đón 289.000 lượt khách ghé thăm, 763.500 lượt lưu trú qua đêm, cao hơn 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Ban hành các quy định, lệnh cấm nhằm đảm bảo duy trì cảnh quan, an ninh trật tự cũng là điều được nhiều điểm du lịch trên thế giới thực hiện.
Thị trấn biển Sorrento ở Italy phạt 500 euro (548 USD) với du khách mặc đồ bơi đi lại trên đường phố. Năm 2022, ông Massimo Coppola, Thị trưởng của Sorrento, đưa ra lệnh cấm, cho rằng hành vi này là khiếm nhã và phá hỏng hình ảnh của thị trấn cũng như gây ra sự khó chịu cho cư dân và khách du lịch.
Những người khoe dáng trong bộ bikini ở Barcelona, Tây Ban Nha cũng có thể bị phạt 300 USD vì “ăn mặc hở hang” tại trung tâm thành phố. Trong khi đó, thị trưởng của thị trấn miền nam Italy Praia a Mare còn ngăn cả việc đi chân trần trong thị trấn.
Từ đầu tháng 4, làng chài Portofino (Italy) đưa ra mức phạt 74-300 USD cho trường hợp nán lại selfie quá lâu tại các khu vực quy định nhằm ngăn tình trạng ùn tắc. Chính quyền địa phương quyết định duy trì đều đặn biện pháp này mỗi ngày, từ sáng sớm đến 18h và duy trì đến khi mùa cao điểm du lịch kết thúc.