Từng là một trong những ứng dụng đặt xe hàng đầu Trung Quốc, cạnh tranh quyết liệt với Uber nhưng Didi giờ đây đã bị chính phủ quốc gia này cấm hoạt động vô thời hạn.
Điều này đã khiến hãng công nghệ bốc hơi 1/5 giá trị so với mức đỉnh, người dùng lũ lượt bỏ app và không thể kêu gọi vốn cho các dự án trong tương lai. Thậm chí, giới lãnh đạo của Didi còn phải đối mặt với sự giám sát của chính phủ Trung Quốc.
Khởi đầu của cơn ác mộng
Cơn ác mộng của Didi bắt đầu kể từ khi ứng dụng được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York.
Theo Reuters, hồi tháng 7/2021, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã yêu cầu các kho ứng dụng ở Trung Quốc gỡ ứng dụng Didi Global trên nền tảng của họ, đồng thời khẳng định khẳng định nền tảng đã thu thập dữ liệu người dùng trái phép. Quyết định này đã đánh gục công ty đặt xe trị giá 80 tỷ USD của Trung Quốc chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.
Vốn hóa thị trường của Didi đã bốc hơi 80% tương đương 60 tỷ USD trong vòng một năm. Đây được đánh giá là cú lao dốc kỷ lục của các công ty châu Á được niêm yết chứng khoán từ trước đến nay.
Sự sụp đổ của Didi còn kéo theo hàng loạt các sự kiện đen tối khác của lĩnh vực công nghệ như nhiều nền tảng vận tải công nghệ bị giám sát hay nhà sáng lập Alibaba Jack Ma bị điều tra, hủy đợt IPO lớn nhất thế giới của Ant Group.
“Giới công nghệ Trung Quốc sẽ không thể nào kinh doanh bình thường như trước đây. Didi mới chỉ là một phần nhỏ trong tình cảnh tồi tệ của các công ty tư nhân dưới sự trấn áp của chính phủ Trung Quốc”, Fraser Howie, Giám đốc Công ty Tài chính Newedge đồng thời là chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc, chia sẻ.
Đã 1 năm trôi qua kể từ khi Didi huy động được 4,4 tỷ USD khi IPO tại Mỹ nhưng sau đó lại nếm phải đòn trừng phạt khắc nghiệt của chính phủ Trung Quốc vì nghi ngờ có liên quan đến việc thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu của người dùng. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau sự kiện này vẫn còn rất nhiều uẩn khúc.
Nỗ lực đem lại hậu quả
Theo một nguồn tin nội bộ, một ngày sau khi niêm yết, ngân hàng và các nhà đầu tư của Didi đã nghe tin đồn về việc chính phủ sẽ siết chặt quy định. Song, ban quản lý của hãng đặt xe lại phủ nhận thông tin này và trấn an họ bằng cách khẳng định công ty đang làm việc với các nhà làm luật để giải quyết các khúc mắc còn tồn đọng.
Theo Bloomberg, trước đó, giới lập pháp Trung Quốc đã yêu cầu Didi hủy đợt IPO trên sàn chứng khoán New York của mình. Nhưng nhà sáng lập Cheng Wei và Jean Liu của hãng vẫn “cố đấm ăn xôi”, quyết tâm niêm yết công ty cho bằng được.
“Ban quản lý của Didi biết rằng việc gấp rút niêm yết cổ phiếu sẽ đánh động đến CAC, nhưng vẫn tin rằng sẽ được bỏ qua”, một nguồn tin nội bộ nói.
Cuối cùng, vào ngày 2/7/2021, CAC đã yêu cầu điều tra Didi vì nghi ngờ thu thập và phát tán dữ liệu người dùng trái phép. Sau đó, ứng dụng đặt xe biến mất trên toàn bộ kho ứng dụng và bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch quốc tế.
Điều này đã khiến Cheng và nhiều doanh nhân khác của quốc gia tỷ dân không khỏi bất ngờ. Họ không hề hay biết gì về động thái này của CAC. “Không ai lường trước được lệnh trừng phạt phạt sẽ khắc nghiệt đến vậy”, một nguồn tin thân cận nói.
Tương lai mờ mịt
Sau đó, hàng loạt dự án Didi ấp ủ đều phải tạm hoãn, bao gồm kế hoạch mở rộng quy mô sang các sàn thương mại điện tử, bước chân vào châu Âu hay nâng cấp hệ thống xe tải và pin sạc.
“Sự sụp đổ của Didi đã làm mọi người hoảng loạn và mất lòng tin. Tôi cho rằng với chính sách thắt chặt của chính phủ, giãn cách xã hội do dịch Covid-19 và những rủi ro khi niêm yết đã biến việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc trở thành một canh bạc”, David Waddell, Giám đốc đầu tư tại Waddell & Associates, nhận định.
Hiện, nguyên nhân thật sự của đòn trừng phạt lên Didi đến từ chính phủ và câu trả lời liệu hãng đặt xe nên làm gì tiếp theo vẫn còn là một ẩn số. “Chúng tôi không rõ vấn đề thực sự là gì. Do đó, sự bất định đang kéo dài xung quanh số phận của Didi”, Tom Nutlist, chuyên gia phân tích công nghệ của công ty tư vấn Trivium China, nói.
Song, theo một nguồn tin nội bộ, sự kiện này có thể liên quan đến mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày một biến xấu.
“Chính phủ Trung Quốc không còn thoải mái với việc Mỹ có quyền tài phán với các hãng công nghệ Trung Quốc khi đưa ra các quy định cũng như các vấn đề về an ninh dữ liệu”, Aaron Costello, người đứng đầu phụ trách khu vực châu Á tại Cambridge Associates, chia sẻ.
Hiện tại, theo Bloomberg, tương lai của Didi vẫn đang còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của chính phủ Bắc Kinh. Một số nhà đầu tư cho rằng chính quyền thành phố vẫn chưa có quyết định cụ thể về số phận của gã khổng lồ đặt xe.
Trong khi đó, những người khác lại cho biết các số liệu thống kê dữ liệu người dùng đã được nộp lên Bắc Kinh nên Didi sẽ sớm quay trở lại trên các kho ứng dụng và cho phép người dùng đăng ký mới.
Nhưng dù là viễn cảnh nào, Bloomberg cho rằng những tổn thất của Didi vẫn sẽ còn mãi. Đối mặt với đòn siết chặt pháp lý, bị đóng cửa hoạt động suốt hàng tháng trời, các nhà đầu tư lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục “bẻ gãy đôi cánh” của các hãng công nghệ.