Lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát
Phát biểu tại cuộc họp, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – nhận định, sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống bán lẻ, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính. Tuy nhiên, đây là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lí, giám sát.
Từ góc độ nhà bán lẻ, bà Hậu cho biết khi kí hợp đồng với một nhà sản xuất, siêu thị phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, trước hết về mặt giấy tờ. Nếu siêu thị nào làm theo quy chuẩn thì họ sẽ đề ra tiêu chuẩn kèm theo kiểm tra, giám sát ở cơ sở sản xuất.
"Chúng tôi rất hạn chế mua của nhà cung cấp trung gian, bởi sẽ không quản lí được đầu vào. Vì lo sợ điều này mà tôi đã đi gần như toàn bộ 63 tỉnh thành để có đầu vào chuẩn chỉ cho hệ thống bán lẻ của mình”, bà Hậu chia sẻ.
Góp ý với các cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị cần tìm biện pháp để kiểm tra, kiểm soát trên quy mô rộng hơn, có sự kiểm tra chéo, cùng với đó là nâng cao vai trò của các địa phương trong quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn. Bà Hậu cũng đề nghị cơ quan quản lí nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lí xử phạt nghiêm minh, để không bị ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính.
Một vấn đề nữa được bà Vũ Thị Hậu nêu tại cuộc họp đó là thực tế hiện nay, chúng ta thiếu hàng trái vụ, làm thế nào tăng cường được hàng nông sản trái vụ? Việc nhập khẩu hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc không qua kiểm soát, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Anh Đức - đại diện Saigon Co.op cũng bày tỏ rất buồn vì ảnh hưởng tới thương hiệu của rau củ quả Việt Nam nói chung cũng như Saigon Co.op nói riêng. Theo ông Đức, các đơn vị đều mong muốn thu mua trực tiếp nhưng không làm được do tính chất, quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, không đủ lượng hàng thường xuyên. Các thủ tục, chính sách thu mua trực tiếp còn khó khăn, không có hoá đơn đầu vào - đầu ra, vì vậy mới phát sinh ra những đơn vị trung gian.
Do vậy, ông Đức cho rằng cần có thông tư chung tháo gỡ những vướng mắc trong khâu cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Tháo gỡ thủ tục hành chính, có thể thử nghiệm trong 1 thời gian.
Ngoài ra, nếu có sự lưu thông giữa các vùng sản xuất, mỗi vùng xây dựng quy hoạch, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc thì sẽ không có tình trạng rau nơi này nơi kia đội lốt rau Đà Lạt.
“Hiện nay hàng nông sản trong nước truy xuất nguồn gốc rất hạn chế, cần có cơ chế chính sách làm sao để nông sản dễ dàng truy xuất nguồn gốc đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Đức chia sẻ.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần phải làm rõ đây là hàng hoá không truy xuất được nguồn gốc chứ không phải là hàng hoá có vấn đề. Vì hàng hoá vào chợ đầu mối là đã được kiểm soát. “Vấn đề sai ở đây là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà cung cấp với các chuỗi siêu thị về nguồn gốc hàng hoá. Còn hàng hoá đã sản xuất ra có người làm tốt, có người làm không tốt, nhưng không phải ai cũng làm không tốt. Truyền thông cần cụ thể, rõ ràng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành” – ông Tùng nhấn mạnh.
Chất lượng nông sản cho 100 triệu người Việt không thể dễ dãi
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản - cho biết, về mặt nguyên tắc, việc kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà của cả người sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc đơn vị sau giám sát đơn vị trước để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn. Đơn vị thu gom sơ chế giám sát đơn vị trồng trọt, phân phối giám sát lại đơn vị sơ chế chế biến. Nhà nước chỉ giám sát bên ngoài xem các hoạt động đó có chuẩn chỉ không.
Theo ông Tiệp, muốn giám sát, chuẩn hoá thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, và đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quản lí sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ ba đảm nhận. Các đơn vị chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP và hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng chuẩn là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này. “Cục sẽ có chương trình làm điểm trong ba chợ lớn nhất là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn để kiểm soát hàng đưa vào chợ, bằng cách lấy mẫu giám sát, xử lí trường hợp vi phạm”, ông Tiệp cho biết thêm.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - cho biết, đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, không ai vô can, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ trưởng. Với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán hàng cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội.
Khẳng định việc chuẩn hóa chất lượng nông sản cho thị trường trong nước là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Ông Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuẩn hoá nông sản cho ngay thị trường trong nước, bắt đầu tư các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... Bởi vì chúng ta không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm.
Con đường chúng ta đi còn dài. Ở Hoà Bình có cam Cao Phong nổi tiếng, nhưng khi cam Vinh được giá, thì nhiều người trồng cam ở Hoà Bình chở cam xuống Hà Nội bán lại giới thiệu là cam Vinh. Câu chuyện này nói lên điều gì? Ngành nông nghiệp không chỉ lúc nào cũng là năng suất, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu, mà đằng sau đó là những vấn đề chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm.
"Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng. Chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước" - ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Hoan cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì?
"Đúng là lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay... Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là rau được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận, thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình" – ông Lê Minh Hoan nói.
Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản, số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP, diện tích 20.000 ha thì năm 2019 tăng lên 1.950 cơ sở, với diện tích 38,6 nghìn ha; năm 2020 là 6.045 cơ sở, với 430.000ha; năm 2021 là 6.211 cơ sở, 463.000ha. Trong 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với diện tích 480.000ha.
Chất lượng, an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau nói riêng cải thiện còn chậm, không ổn định (tỷ lệ mất an toàn còn khá cao, còn khoảng cách với các nước phát triển. Mô hình VietGAP trong trồng trọt và sau thu hoạch mới chỉ dừng ở mức độ khuyến khích áp dụng, chưa được mở rộng ở quy lớn. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết chưa đạt yêu cầu; vi phạm về an toàn thực phẩm tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Phân bổ giá trị trị gia tăng cho phần chuỗi cung ứng nông sản ở Việt Nam cao, trong khâu sản xuất thấp, thiếu bền vững.