Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 4/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, Việt Nam thu hút được 750 dự án FDI mới trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD; 1.044 lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài, tăng 1,8% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ.
Vốn thực hiện (Vốn giải ngân) của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, báo cáo cho biết, trong 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành tài chính, ngân hàng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với số vốn đăng ký gần 972 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư, báo cáo cho biết, đã có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 29,5% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tháng, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh chỉ trong vòng 1 tháng, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ.
Cụ thể, vốn đăng ký của Nhật Bản đạt gần đạt gần 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Trong khi đó, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 53,9 triệu USD. Với kết quả này, Nhật Bản đã vượt Trung Quốc, trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 2 trong 4 tháng đầu năm, chỉ sau Singgapore.
Sau Nhật Bản, Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư, giảm 30% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc,...
Nhưng nếu xét về số dự án thì Hàn Quốc dẫn đầu cả nước về số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn.
Luỹ kế đến 20/4/2023, Việt Nam có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.