Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3.
Cụ thể, Thủ tướng đánh giá hiện nay, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới và xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng.
"Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân chính liên quan tới nguồn vốn. Sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực, một số nơi phục hồi chậm, một số ngành dịch vụ, nhất là ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét", Thủ tướng đánh giá.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhìn nhận khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản đang từng bước được xử lý nhưng còn chậm, nợ xấu có xu hướng tăng. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao. Vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 còn 33.500 tỷ đồng chưa phân bổ.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
"Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng", người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. "Dứt khoát trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì thu giấy phép", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài trong thời gian qua, hoàn thiện các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng như Thép Việt - Trung, Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 26/2 cả nước đã có 7.542/17.000 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định, tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023.
Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như Bắc Ninh đạt 100%, Đắk Lắk đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 91%, Nam Định đạt 89%, Hà Nội đạt 88%, Hải Dương đạt 88%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 83%, Quảng Nam đạt 82%, Vĩnh Phúc đạt 81%...