Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh và công tác xây dựng Đảng năm 2022 diễn ra sáng 28/2, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết đã doanh số đạt 30.888 tỷ đồng trong năm vừa qua, tăng trưởng dương so cùng kỳ và đạt gần 99% kế hoạch.
Trong năm qua, doanh nghiệp này đã khai trương thêm 34 điểm bán mới thuộc Co.op Food và Cheers. Doanh số bán hàng trực tuyến đạt tỷ trọng 4,4%, cao hơn kế hoạch đề ra là 3,5%. Các hoạt động hỗ trợ cho hàng Việt trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Saigon Co.op triển khai liên tục.
Đặc biệt, trong năm 2022, Saigon Co.op đã xuất khẩu những sản phẩm nông sản, thủy hải sản của Việt Nam với tổng giá trị đạt gần 70 tỷ đồng.
Đại diện Saigon Co.op dự đoán năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tốt, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, như áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá tăng cao, chi phí đầu vào tăng tạo sức ép lớn lên hoạt động sản xuất... Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ được dự báo ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.
Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết trong bối cảnh lãi suất đang tăng cao, công ty đã phấn đấu giảm dư nợ vay về 0 đồng. Hạn mức tín dụng của Saigon Co.op đã ký với các ngân hàng thương mại năm 2023 vẫn duy trì khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy vậy, đơn vị này cố gắng không sử dụng nguồn vốn vay trong những tháng vừa qua. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục hợp tác với các đơn vị sản xuất trong nước, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam...
Trong năm 2023, Saigon Co.op định hướng đẩy mạnh, đa dạng hoá thương mại điện tử, đầu tư cho khách hàng, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ, chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logictics.
Nhà bán lẻ này đặt mục tiêu doanh số năm nay tăng 4% so với cùng kỳ.
Thị trường bán lẻ thực phẩm vẫn được xem là đại dương xanh khi có quy mô rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nằm ở các chợ truyền thống, cửa hàng hiện đại cũng đang phân mảnh khi chưa có nhiều đơn vị có vị thế chi phối thị trường.
Dữ liệu từ Kantar cho thấy sau đại dịch, thị phần FMCG kênh siêu thị mini tăng mạnh lên 10%, gần gấp đôi mức 5-6% so với thời điểm trước tháng 5/2021. Giá trị chi tiêu theo kênh siêu thị cũng tăng 20% ở các thành phố trọng điểm và 32% ở khu vực nông thôn, cho thấy sự chuyển dịch sang các kênh hiện đại.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đã tăng 19,8% so với năm trước, ước tính đạt gần 5,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 14,4%.