Nếu bạn đang tìm người để đổ lỗi cho sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền số FTX, thì theo tờ Bloomberg, có khá nhiều “ứng cử viên” sáng giá. Bắt đầu với nhà sáng lập Sam Bankman-Fried, người với triết lý “lòng vị tha hiệu quả”, đã chi rất nhiều tiền để lôi kéo các nhà đầu tư vào nền tảng giao dịch tiền số.
Sau đó, bằng lòng tham và sự kém cỏi, Sam tự cho phép tiền của khách hàng bị sử dụng sai mục đích, cốt để cứu quỹ phòng hộ “chị em” Alameda Research. Caroline Ellison, Giám đốc điều hành Alameda và bạn gái cũ của Bankman-Fried cũng là 2 trong số các nhân vật xứng đáng bị đổ lỗi, theo Bloomberg.
Nhìn xa hơn, trách nhiệm sẽ liên đới sang một số nhân vật nổi tiếng - những người dùng tiền của Bankman-Fried để quảng bá và “vẽ vời” một tương lai tài chính FTX mạnh mẽ. Đây không khác gì hành vi lừa đảo và phản bội lòng tin, sau khi FTX nộp đơn xin phá sản và bị vây quanh bởi một loạt các tổ chức điều tra tội phạm. Ngoài ra, William MacAskill, Giáo sư triết học của Đại học Oxford kiêm tác giả cuốn sách bán chạy nhất, cũng có thể được coi là nhân vật “xúc tác” đứng đằng sau sự sụp đổ của FTX.
Bên cạnh đó, phải kể đến các phương tiện truyền thông “rửa sạch” mọi điều vô nghĩa về “lòng vị tha hiệu quả” và cho xuất bản những câu chuyện xu nịnh về Bankman-Fried. Chính phủ Bahamas, các chính trị gia người Mỹ mù quáng cùng ngành công nghiệp tiền số cũng vậy.
Thực tế, Bankman-Fried đã qua mặt được rất nhiều người, ngoại trừ Gary Gensler, chuyên gia quản lý chứng khoán hàng đầu nước Mỹ, theo Bloomberg. Ông được cho là một trong những quan chức cấp cao duy nhất từng cố gắng ngăn chặn đà phát triển thái quá của ngành công nghiệp tiền số và lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư.
Bankman-Fried đã qua mặt được rất nhiều người, ngoại trừ Gary Gensler, chuyên gia quản lý chứng khoán hàng đầu nước Mỹ, theo Bloomberg.
Kể từ khi nhậm chức Chủ tịch SEC, Gensler đã bày tỏ quan điểm rằng nhiều mã tiền số đang bị thao túng trắng trợn. Loạt phương tiện đầu tư ăn theo, bao gồm stablecoin và nhiều công cụ phái sinh khác cũng đang được quảng cáo bất hợp pháp.
Theo Gensler, các sàn giao dịch nước ngoài cho phép người Mỹ giao dịch sẽ phải tuân theo các quy định của SEC. Chính điều này đã giới hạn số lượng người dùng mở tài khoản và bảo vệ nhiều người Mỹ khỏi sự sụp đổ của FTX. Trước đó, Gensler cũng từ chối để những người ủng hộ tiền số dễ dàng bán token cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua quỹ ETF.
Xung đột lợi ích giữa FTX và Alameda là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ mới đây - điều vốn đã được cảnh báo từ trước song hầu hết người chơi đều từ chối xem xét chúng một cách nghiêm túc.
“Sự sụp đổ của FTX là lời nhắc nhở nghiêm khắc, rằng chẳng có bữa trưa miễn phí nào dành cho những nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh trong một lĩnh vực còn tương đối mới và chưa được điều tiết”, Jon Ulin, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân kiêm CEO công ty Ulin & Co. Wealth Management nhận định.
Do hầu hết các giao dịch phái sinh tiền số và cá cược có đòn bẩy là bất hợp pháp ở Mỹ, FTX đã chọn Bahamas làm nơi đặt trụ sở, đồng thời thúc đẩy hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh thông qua chi nhánh tại Mỹ, FTX US. Binance cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, định vị hoạt động tại các quốc gia thân thiện với tiền số và khẳng định mình không có trụ sở chính.
Nhà sáng lập Sam Bankman-Fried của FTX.
Được biết hồi đầu năm ngoái, khi thị trường tiền số sôi động, Ryan Salame, Giám đốc điều hành FTX đã đến Bahamas, đặt cọc 4,5 triệu USD để mua một lô đất ven biển với tham vọng xây dựng một trụ sở mới. Cũng bởi Bahamas khi đó đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ pháp lý cho các công ty tiền số - điều mà Sam Bankman-Fried vẫn tìm kiếm bấy lâu.
Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của FTX, hàng loạt nhân công trên hòn đảo ven biển thất nghiệp. Họ mất đi nguồn thu nhập ổn định, các dịch vụ ăn theo trở về thực tại ảm đạm và cũng chẳng ai còn nhắc đến các tỷ phú tiền số nữa.