Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra báo cáo về sản lượng hàng hóa qua các cảng biển trong 2 tháng đầu năm 2023.
Tháng 2/2023, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển đạt 62,3 triệu tấn. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng qua các cảng biển đạt hơn 165,2 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số đó, sản lượng hàng nội địa chiếm phần lớn với 73,4 triệu tấn. Tổng sản lượng hàng xuất, nhập khẩu đạt 91,3 triệu tấn.
Đặc biệt, sản lượng hàng container có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể 2 tháng đầu năm, lượng hàng container đạt 52,8 triệu tấn, giảm 9%. Lượng hàng tính theo Teus đạt 5.177 Teus, giảm 15%.
Các chuyên gia cho rằng, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển hiện nay sụt giảm vì nhiều yếu tố tác động.
Theo dự báo của SSI Research, có nhiều yếu tố tác động tới ngành cảng biển cần theo dõi trong thời gian tới, bao gồm sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng từ các nước nhập khẩu, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine, cũng như tình hình kinh tế khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, các công ty cảng biển có thể duy trì tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định mặc dù tăng trưởng sản lượng yếu.
Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN Hồ Kim Lân chia sẻ, tình hình phức tạp của thế giới đã tác động tới tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian bao lâu là điều khó đoán trước.
Trước đó, sản lượng hàng hóa năm 2022 qua các cảng biển, đặc biệt trong quý 4/2022 cũng đã giảm nhiều hơn dự kiến.
Bởi thế lúc này, quan trọng là nội lực kinh tế cũng như cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nền kinh tế và các doanh nghiệp cảng biển.
Theo ông Lân, hai mấu chốt đang tồn tại với khối cảng biển cần giải quyết hiện nay là khơi thông luồng lạch để khai thác tàu hiệu quả và nâng cao giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển.
Hiện nay, mức giá dịch vụ cảng biển của Việt Nam đang ở mức thấp nhất khu vực.