Theo SCMP, trong năm 2022, khối lượng iPhone xuất xưởng có nguồn gốc từ quốc gia Nam Á tăng 65% so với cùng kỳ của năm 2021. Trong khi đó, giá trị của những lô hàng cũng tăng 162%, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, được công bố vào tháng 3/2023.
Với thành tích này, riêng Apple trong năm ngoái đã chiếm 25% tổng giá trị xuất xưởng smartphone của Ấn Độ, cao gấp đôi so với con số 12% của năm 2021. Ngược lại, Trung Quốc sản xuất tới 85% số lượng iPhone trên toàn cầu, nhưng có nguy cơ mất vị thế khi Apple thực hiện kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Hiện tại, Apple là một trong những công ty công nghệ toàn cầu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, giữa bối cảnh căng thẳng chính trị đang gia tăng.
Vào năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch trị giá 6,65 tỷ USD, cung cấp nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu để thu hút hoạt động đầu tư sản xuất.
Foxconn Technology Group, một trong những đối tác sản xuất theo hợp đồng của Apple, được cho đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới ở Ấn Độ. Nhiều người dân Trung Quốc lo ngại rằng điều này sẽ khiến quốc gia của họ có nguy cơ mất vai trò chính trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple, SCMP đưa tin.
Trong tháng 1, công ty nghiên cứu DigiTimes Research đưa ra dự báo Ấn Độ sẽ chiếm tới 50% sản lượng iPhone vào năm 2027, tăng từ mức dưới 5% ở thời điểm hiện tại. Điều này sẽ giúp quốc gia Nam Á sánh ngang với Trung Quốc trong tỷ trọng lắp ráp smartphone của Apple.
Trong khi đó, Hon Hai Precision Industry cũng cố gắng khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại khu liên hợp của mình ở thành phố Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
“Nhìn chung, năm 2022 là một năm tốt đẹp về sản xuất và nội địa hóa ở Ấn Độ. Việc Apple, Samsung và các OEM khác tăng cường đầu tư đã thúc đẩy các lô hàng sản xuất tại quốc gia này trong năm ngoái và phần nào bù đắp được tác động từ sự suy giảm nhu cầu trong nước”, Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu Counterpoint viết.
Theo SCMP